Tin tức

Lừa đảo qua mạng, thủ đoạn cũ nạn nhân mới

Vẫn cách thức, thủ đoạn cũ nhưng nhiều người dân ở Gia Lai, Đắk Nông... đã sập bẫy của những nhóm lừa đảo qua mạng.

28/06/2021 09:31

Công an tỉnh Gia Lai cho biết từ đầu năm 2021 đến nay đã tiếp nhận 7 tin báo tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quan mạng, phương tiện điện tử với thiệt hại hơn 7,7 tỷ đồng; 10 vụ công an các địa phương thụ lý, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Theo hồ sơ, những người này thường sử dụng phương thức thu thập thông tin của nạn nhân (chủ yếu là chia sẻ trên mạng xã hội), sau đó sử dụng công nghệ để đổi đầu số, giả mạo số điện thoại của cơ quan chức năng, rồi tự nhận là nhân viên nhà mạng viễn thông hay cán bộ công an, viện kiểm sát… để đe dọa xử lý, bắt giữ nạn nhân vì có liên quan đến nợ cước viễn thông, buôn bán ma túy, rửa tiền…

Họ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản do nhóm này cung cấp để phục vụ công tác điều tra rồi “mất tăm”.

Lừa đảo qua mạng, thủ đoạn cũ nạn nhân mới - Ảnh 1.

Giao diện sàn giao dịch MXC.com và Dylan. Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai

Theo Công an tỉnh Gia Lai, các thủ đoạn trên không mới nhưng một số người dân vẫn nhận thức khá mơ hồ, hoang mang khi họ lừa đảo gọi điện hù hoạ và nhanh chóng bị lừa.

Đơn cử, ngày 21/6, một người gọi điện thoại đến chị N.T.M.H. (trú thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa) nói là người của công ty điện lực, thông báo nạn nhân bị phạt 60 triệu đồng vì tự ý sửa công tơ điện và đã chuyển hồ sơ đến công an. Sau đó, người này nối máy điện thoại để chị H. gặp người tên Tuấn tự xưng là cán bộ công an rồi thông báo chị H. bị công ty điện lực kiện và bị truy nã vì bán hồ sơ cho tội phạm.

Tuấn yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, sau đó hướng dẫn chị tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại rồi yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để công an kiểm tra. Chị H. nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì phát hiện chỉ trong tích tắc, tài khoản đã bị mất số tiền 126 triệu đồng.

Hay giữa tháng 5, qua ứng dụng trên điện thoại, chị T.T.T. (trú xã Diên Phú, TP Pleiku) kết bạn với một người tự giới thiệu là Dylan, quốc tịch Trung Quốc. Dylan thuyết phục chị T. tham gia sàn đầu tư kinh doanh tiền tệ MXC.com với hứa hẹn có lãi suất “khủng”.

Ban đầu, chị T. đồng ý đầu tư 7,6 triệu đồng nhưng đã được lãi hơn một triệu đồng. Một tháng sau, chị T. nộp vào tài khoản 25,5 triệu đồng tiếp tục được nhận “lãi”. Thấy tiền đến quá dễ dàng, từ ngày 8/6 đến ngày 10/6, chị T. 5 lần chuyển vào sàn tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để sẽ lãi gần 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó chị T. muốn rút cả gốc và lãi là 2,8 tỷ đồng trên sàn về nhưng không được.

Lừa đảo qua mạng, thủ đoạn cũ nạn nhân mới - Ảnh 2.

Ông Lĩnh trình bày với Phòng CSGT có số điện thoại lạ yêu cầu ông nộp phạt 24 triệu đồng

Mới đây, ông Tăng Văn Lĩnh (trú tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ nói rằng, ông Lĩnh là người vi phạm giao thông (bị phạt nguội) phải nộp tiền phạt 24 triệu đồng.

“Người bên số lạ này xưng là cán bộ CSGT TP Đà Nẵng yêu cầu tôi phải chuyển khoản cho họ và bấm phím số 9 để được hướng dẫn. Người này còn còn thông báo, ngày 1/5, tôi thuê xe dịch vụ ở Đà Nẵng điều khiển và gây tai nạn giao thông, Phòng CSGT TP Đà Nẵng đã chuyển hồ sơ của ông sang Phòng Cảnh sát hình sự xử lý. Tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng nên đã trình báo sự việc lên Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông”, ông Lĩnh kể.

Một cán bộ Công an Đắk Nông khẳng định cơ quan công an không làm việc qua điện thoại để hướng dẫn người dân giải quyết vụ việc; không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân; không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng… Vì vậy, người dân cần cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng hoặc qua điện thoại lạ.

Ý kiến của bạn