Lũ lụt khủng khiếp ở Ấn Độ và Nepal, gần 200 người chết
Hôm 21/10, giới chức Ấn Độ và Nepal cho biết, gần 200 người chết và nhiều gia đình bị chôn vùi trong trận lũ lụt và lở đất ở 2 quốc gia này.
Nepal ghi nhận 88 người chết, trong đó có một gia đình gồm 6 thành viên. Ngôi nhà của họ đã bị trận lở đất nhấn chìm.
"Cơ quan quản lý thiên tai cấp huyện tại nhiều bang đã làm việc tích cực, tiến hành các hoạt động cứu hộ và cứu trợ. Cảnh sát, quân đội cũng như các cơ quan khác của Nepal đã được huy động trong hoạt động cứu hộ", quan chức cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp của Nepal Dijan Bhattarai cho biết.
Hôm 21/10, tại bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ, 55 người được xác nhận là đã chết, trong đó có 5 thành viên trong một gia đình. Nhiều cầu, đường đã bị hư hại và loạt thị trấn tại bang Uttarakhand bị cắt đứt, quân đội đã được điều đến để khôi phục liên lạc, tiếp cận và giải cứu hàng nghìn người mắc kẹt.
Người đứng đầu cơ quan thảm họa của bang, ông S Murugeshan cho biết, số người chết có thể tăng thêm bởi một số người hiện vẫn còn mất tích, trong đó có 20 khách du lịch.
Trong khi đó, tại bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ, 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 bé gái 8 tuổi và 10 tuổi trong cùng một gia đình bị lũ cuốn trôi khi mưa lớn ập xuống.
Người đứng đầu cơ quan quản lý thiên tai bang Tây Bengal, Javed Ahmed Khan cho biết: “Bùn, đá và nước đổ xuống các ngọn đồi ở Darjeeling đã làm hư hại gần 400 ngôi nhà và vài nghìn người phải sơ tán khỏi những con sông bị ngập nước ở chân đồi”.
“Hàng trăm du khách đang mắc kẹt tại khu nghỉ mát trên đồi Darjeeling... Các trận lở đất đã chặn các đường cao tốc và lối đi trong khu vực”, ông Javed Ahmed Khan cho biết thêm.
Cơ quan khí tượng thủy văn của bang Tây Bengal đưa ra dự báo đỏ, cảnh báo rằng lượng mưa cực lớn sẽ tiếp tục ở Darjeeling, Kalimpong và Alipurdur vào hôm 21/10.
Tại bang Kerala - miền nam Ấn Độ, nơi 42 người đã chết kể từ tuần trước, cơ quan thời tiết đã đưa ra cảnh báo về mưa lớn ở ít nhất 3 quận của bang này.
Các chuyên gia cho rằng, lũ lụt tại Ấn Độ và Nepal là hiện tượng thời tiết ngày càng khó lường và cực đoan, đang tấn công các quốc gia Nam Á trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, cũng như hậu quả trầm trọng của nạn phá rừng, xây đập và phát triển cơ sở hạ tầng quá mức.