Tin tức

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân?

(VOVTV) - Những ngày qua hình ảnh đất đai khô cằn, nứt nẻ ở hạ lưu thuỷ điện Sơn La tại khu vực Thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đã gây hoang mang về sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng cực đoan.

Tác giả Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
13/06/2023 17:17

Tuy nhiên theo chính quyền địa phương, đây là điều bình thường đã diễn ra trong suốt hơn 10 năm qua kể từ khi Thủy điện Sơn La đóng đập, tích nước, người dân thực hiện công cuộc đại di cư về nơi ở mới. Nhường đất ở, đất sản xuất cũ cho đại công trình, thích nghi dần với 2 mùa nước lên – xuống, vậy sinh kế của người dân nơi đây như thế nào? Và thực sự lòng hồ Thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo kế sinh nhai cho người dân hay không?

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân? - Ảnh 1.

Phần diện tích đất dưới lòng hồ nứt nẻ ở gần ngã 3 sông.

Những ngày này, người dân phường Na Lay, Thị xã Mường Lay đang tập trung thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, đồng thời làm đất, lấy nước vào ruộng tranh thủ trồng tiếp vụ lúa mới trước khi lòng hồ tích nước lại, dâng ngập vào khoảng tháng 10. Tổng diện tích lúa của phường là hơn 60 ha, hoàn toàn là đất bán ngập được phân chia đều cho khoảng 1.500 hộ, hơn 5.000 khẩu trên địa bàn.

Bà Lò Thị Thỏ, người dân bản Na Lát, phường Na Lay chia sẻ: Năm nay dù điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, lòng hồ rút nước sớm hơn mọi năm, song do sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc cung ứng nước tưới cho sản xuất nông nghiệp từ công trình thủy lợi suối Nậm Cản nên hơn 1.000m2 trồng lúa của gia đình năng suất vẫn đảm bảo.

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân? - Ảnh 2.

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân? - Ảnh 3.

Bề mặt đất nứt nẻ, tuy nhiên phía dưới vẫn có một lượng nước và đất màu khá dồi dào.

Ông Nguyễn Huy Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Na Lay cho biết: Là trung tâm của Thị xã Mường Lay, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của người dân đa ngành nghề, nhưng 70% hộ dân sinh kế chủ yếu tập trung vào nông nghiệp trồng lúa trên đất bán ngập, còn lại là chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng các loại cây có hạt và tham gia hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hoạt động đánh bắt thủy sản trên lòng hồ chiếm tỷ lệ khá thấp, qua rà soát có hơn 40 lao động tham gia.

Sau hơn 10 năm nhường đất để làm thủy điện, đến nay đời sống người dân đã ổn định, yên tâm lao động sản xuất. Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 chỉ còn 22 hộ, giảm hơn 47% so với cùng nhiệm kỳ.

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân? - Ảnh 4.

Do năm nay thủy điện điều tiết nước sớm nên người dân không kịp di chuyển phương tiện đánh cá về nơi khác neo đậu.

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân? - Ảnh 5.

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân? - Ảnh 6.

Người dân phường Na Lay thu hoạch lúa.

Thích nghi với 2 mùa nước lên – xuống, chủ động cung ứng nguồn nước tưới từ các khe suối, nâng cấp công trình thủy lợi, nên vụ mùa năm nay dù điều kiện thời tiết nắng nóng cực đoan song vẫn được mùa lúa.

Ông Lộc chia sẻ: "Nước hồ rút so với mọi năm thì năm nay rút nhiều hơn, thấp hơn do đó bà con cũng đang tiếp tục tận dụng để canh tác sản xuất để đảm bảo diện tích lúa tại khu vực lòng hồ. Về năng suất, sản lượng năm nay theo đánh giá đạt so với mọi năm, còn về nguồn nước tưới thì cơ bản đáp ứng đảm bảo cho các bản phục vụ sản xuất. Mực nước lòng hồ năm nay rút cũng có ảnh hưởng nhưng nó không nhiều vì các hộ này họ cũng vừa kết hợp đánh bắt thủy sản vừa sản xuất nông nghiệp".

Lòng hồ thủy điện Sơn La tại Mường Lay có khô cạn đến mức không thể tạo sinh kế cho người dân? - Ảnh 7.

Năng suất được đánh giá đạt nhờ chủ động cung ứng nước tưới cho sản xuất nông nghiệp từ công trình thủy lợi suối Nậm Cản

Sau hơn 10 năm tái định cư, người dân Thị xã Mường Lay đã ổn định cuộc sống, tình trạng thiếu đất sản xuất cũng đã được khắc phục. Kinh tế tập trung vào sản xuất nông nghiệp và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch khi lòng hồ tích nước.

Ông Trần Văn Ngạn, Phó Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Mường Lay cho biết: Từ năm 2011 nước hồ Thủy điện Sơn La dâng, để đảm bảo đời sống người dân trên địa bàn thị xã thích ứng với vùng lòng hồ nên người dân cũng tận dụng tối đa diện tích phần bán ngập để sản xuất nông nghiệp. Khi nước ngập sẽ tận dụng để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Vụ Đông Xuân năm 2022-2023, do mực nước hồ xuống sớm nên bà con sản xuất tăng được 40 ha so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích toàn thị xã là hơn 268ha, năng suất đạt khoảng 58 tạ/ha, tổng sản lượng hơn 1.550 tấn (tăng hơn 400 tấn). Nguồn nước tưới cho các diện tích này được đảm bảo từ 20 công trình thủy lợi đang vận hành, phát huy hiệu quả trên địa bàn.

Năng suất đạt khoảng 58 tạ/ha, tổng sản lượng hơn 1.550 tấn (tăng hơn 400 tấn)

Cũng theo Phòng Kinh tế Thị xã Mường Lay, việc đánh bắt thủy sản trên lòng hồ khi tích nước chỉ là nghề phụ đối với người dân, qua rà soát toàn thị xã chỉ có gần 140 hộ tham gia hoạt động này và vừa sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Phần diện tích đất nứt nẻ, khô hạn gần khu vực ngã 3 sông Đà, Sông Nậm La và Suối Nậm Lay phía dưới cầu Bản Xá cũng không sử dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Anh Hoàng Văn Luyện, Trưởng bản Chi Luông 2, phường Na Lay, thị xã Mường Lay cho biết: Hiện nay người dân thị xã đã yên tâm an cư lạc nghiệp. Một số thanh niên trên địa bàn không có việc làm cũng chủ động đi làm thuê cho các doanh nghiệp dưới xuôi. Còn đối với bà con thì vẫn tập trung phát triển nông nghiệp, khi nước dâng mới tranh thủ đánh bắt thêm thủy sản. Hiện trong bản có 13 hộ tham gia hoạt động này, chi phí đóng thuyền đánh cá cũng chỉ rơi khoảng 30 triệu đồng/thuyền nên người dân đều có khả năng trang trải.

Người dân Mường Lay đã thích nghi với 2 mùa nước lên – xuống trong hơn 10 năm qua.

Ông Hoàng Văn Quyền - Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết: Vào thời điểm mới xây dựng hồ thủy điện Sơn La, nhiều bà con tại thị xã Mường Lay mong muốn phát triển nghề nuôi thủy sản nhờ vào nguồn nước dồi dào của hồ thủy điện. Tuy nhiên, sau khi hồ thủy điện đi vào hoạt động được vài năm, việc này đã trở nên khó khăn hơn đối với bà con, bởi hồ thủy điện sẽ điều tiết mực nước từ tháng 3 cho tới tháng 9 trong năm. Từ đó đến nay người dân thích ứng với việc điều tiết nước và nghề đánh bắt thủy sản hiện chỉ xác định là nghề phụ, nghề chính sẽ là tập trung sản xuất nông nghiệp trên diện tích bán ngập.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại những diện tích đất nứt nẻ dưới lòng hồ chỉ có một phần mặt, phía dưới là lượng nước và đất màu khá dồi dào. Đây cũng tạo độ màu mỡ để người dân tận dụng phát triển kinh tế khi vào mùa điều tiết nước tại thị xã Mường Lay.

Ý kiến của bạn