Kinh doanh

Long Bình Tân - Biên Hòa: Đất quy hoạch giao thông biến thành nhà phố ngay sát UBND phường

(VOVTV) - Bất chấp quy định của pháp luật, chủ đầu tư không chỉ xây dựng hàng loạt căn nhà phố trên đất nông nghiệp mà còn trên cả quy hoạch đường giao thông rồi rao bán.

Tác giả Luân Phạm / VOVTV
14/04/2022 10:41

Những căn nhà phố xây đè trên quy hoạch giao thông?

Theo phản ánh của người dân tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tình trạng xây dựng trái phép, không phép tại đây là khá phổ biến. Ông P.T.H, người dân địa phương cho biết, điều bức xúc là khi hàng loạt căn nhà phố xây dựng trên đất nông nghiệp được rao bán rầm rộ thì không thấy cơ quan chức năng xử lý, còn người dân sửa nhà làm chuồng heo thì tới để ngăn chặn.

Dựa theo thông tin người dân cung cấp, trong vai là người có nhu cầu mua nhà để ở và làm việc, PV đã tới gặp một người tên Thương, tự giới thiệu là nhân viên môi giới của công ty Trường Phát, đơn vị đang nhận phân phối cho hàng loạt căn nhà trên. Theo chân người này, PV vào khu đất nằm đối diện UBND phường Long Bình Tân, cách ủy ban chưa đầy trăm bước chân.

Long Bình Tân - Biên Hòa: Đất quy hoạch giao thông biến thành nhà phố ngay sát UBND phường - Ảnh 1.

Cận cảnh khu nhà phố thương mại xây đè lên cả đất quy hoạch giao thông tại phường Long Bình Tân

Trong khu đất được rào kín bằng tôn, đường bê tông dẫn vào một khu nhà phố hoành tráng với điện nước đầy đủ. Theo như giấy tờ mà ông Thương cung cấp thì khu này thuộc tờ bản đồ số 60, thửa đất số 344 với diện tích là 1554,7m2 chỉ có 200m2 đất ở còn lại là đất nông nghiệp, được phân ra làm 16 căn nhà phố gồm 1 trệt 1 lầu với diện tích mỗi căn trung bình từ 53m2 đến 68m2, giá bán cho mỗi căn từ 1,5 tỷ đồng cho đến 1,6 tỷ đồng tùy vị trí.

Khi thắc mắc về pháp lý thì ông cho biết, các căn nhà được bán dưới hình thức công chứng tại các văn phòng công chứng nhà nước. Khi thấy PV có vẻ do dự về tính pháp lý của căn nhà, các đối tượng khác trấn an và cho biết rằng, nếu sau này cơ chế có thay đổi thì sẽ được nhà nước cấp cho sổ đỏ.

Không dừng lại đó, sau khi PV kiểm tra quy hoạch trên DNAI.LIS (phần mềm kiểm tra quy hoạch đất đai tại Đồng Nai-PV) thì phát hiện 4 căn nhà cuối của thửa đất đang nằm trong lộ giới quy hoạch đất giao thông. Nghĩa là gần 300m2 đất đang đè lên quy hoạch để xây dựng trái phép và căn nhà cuối cùng được xây dựng và kè trên bờ suối Bà Lúa.

Long Bình Tân - Biên Hòa: Đất quy hoạch giao thông biến thành nhà phố ngay sát UBND phường - Ảnh 2.

Khi kiểm tra quy hoạch tại DNAI.LIS (phần mềm kiểm tra quy hoạch đất đai tại Đồng Nai-PV) thì phát hiện có những căn nhà nằm trên cả lộ giới quy hoạch đất giao thông

Cơ quan chức năng nói gì?

Để có thông tin chính xác và minh bạch, ngày 05/04/2022, PV có mặt tại UBND phường Long Bình Tân, gặp ông Đoàn Văn Đoàn - Chủ tịch UBND phường và được ông Đoàn hướng dẫn qua gặp ông Trương Văn Khiêm - Phó Chủ tịch UBND phường.

Tại đây, PV xuất trình đầy đủ giấy tờ gồm Giấy giới thiệu cơ quan cùng giấy tờ tùy thân song ông Khiêm vẫn từ chối làm việc và yêu cầu PV xuất trình thẻ nhà báo. PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Ngọc Hải (Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng) liên quan đến vấn đề trên.

Luật sư Hải cho hay, theo quy định tại Điều 38 Luật Báo chí thì các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Việc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí phải thuộc các trường hợp thông tin mật, thông tin đang trong quá trình điều tra, thanh tra, các thông tin chưa được công bố… Trong vụ việc nêu trên, không có căn cứ để cho rằng các thông tin được yêu cầu thuộc diện từ chối cung cấp.

Long Bình Tân - Biên Hòa: Đất quy hoạch giao thông biến thành nhà phố ngay sát UBND phường - Ảnh 3.

Luật sư Phạm Ngọc Hải (Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng)

Luật sư Hải cho rằng, trong quá trình hoạt động, cơ quan báo chí sẽ cử các phóng viên là nhân sự của mình để thực hiện các hoạt động báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Việc cử các nhân sự này được thể hiện bằng văn bản, thông thường là "Giấy giới thiệu", nội dung của Giấy giới thiệu phải đầy đủ các thông tin về người được giới thiệu, nội dung làm việc, thời gian làm việc cụ thể.

Khi có "Giấy giới thiệu", phóng viên lúc này không hoạt động với tư cách cá nhân mà sẽ đại diện cho cơ quan báo chí của mình để thực hiện các hoạt động báo chí theo đúng quy định của pháp luật. Thông thường, các cơ quan nhà nước đều chấp nhận và cho phép phóng viên tác nghiệp nếu cung cấp được "Giấy giới thiệu" của cơ quan báo chí và tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí là phù hợp với nội dung thông tin cung cấp.

"Việc từ chối cung cấp thông tin với lý do phóng viên chưa phải là nhà báo nên không có quyền hoạt động báo chí là chưa đúng với quy định pháp luật", luật sư Hải nhấn mạnh.

Theo đó, đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 NĐ 159/2013/NĐ-CP. Mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về "dự án" này.

Ý kiến của bạn