Long An tạo điểm nhấn bằng du lịch công nghiệp
(VOVTV) - Long An là địa phương được đánh giá có tiềm năng đa dạng về loại hình du lịch. Song các hoạt động du lịch trên địa bàn vẫn còn độc lập, khá rời rạc và thiếu tính kết nối… Để mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với Long An, ngành du lịch có rất nhiều việc phải làm nhằm phát huy được những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Du lịch đặc thù sông nước gặp khó
Tiềm năng du lịch tỉnh Long An rất phong phú, đa dạng, ngoài sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, Long An còn có chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng), chùa Tôn Thạnh, Nhà Trăm cột, Đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước), khu di tích Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức (TP Tân An)... Thời gian qua một số điểm đến tiếp tục được quan tâm đầu tư như: Làng nổi Tân Lập; Khu dược liệu - Cánh đồng bất tận; Khu phức hợp Happyland… Tuy nhiên, đến nay mới chỉ là điểm dừng chân chứ chưa phải là điểm du lịch thu hút du khách.
Đơn cử như khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ngoài các tour tuyến ngắm cảnh dã ngoại gắn với trải nghiệm ẩm thực, điểm đến này vừa qua còn mở thêm dịch vụ cắm trại, câu cá, nhiều điểm check-in mới, chương trình bán vé combo trọn gói tham quan và ăn buffet trưa với những món đặc sản miền sông nước… Nhưng thực tế cao điểm đón khách dịp lễ 2/9 mới đây cũng chỉ 1.500 lượt tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Những điểm du lịch khác tại Long An cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Phạm Ngọc Trí, Giám đốc Công ty du lịch Tháp Mười, Long An đơn vị quản lý Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập nói: "Hiện còn nhiều khó khăn nên khách đến cũng chưa nhiều. Công ty cũng tăng cường quảng bá hình ảnh, tận dụng tối ưu các cảnh quan thiên nhiên tại chỗ. Trên này cần sửa lại QL 62 để khách thuận tiện tới đây, với dễ liên kết với những tour tuyến khác. Chứ đường xấu quá du khách, bà con cũng ngại đi, vì đi về tới đây đã hết ngày rồi.".
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại sản phẩm du lịch của Long An có nhiều nhưng chưa có điểm nhấn, cho nên sắp tới, địa phương sẽ chọn ra những điểm du lịch tiêu biểu để đầu tư bài bản và hoàn chỉnh hơn. Đặc biệt, tỉnh xác định làm du lịch chuyên nghiệp, không nửa vời, tỉnh từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp và chuyên nghiệp hơn. Do tiếp giáp TPHCM, Long An có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến du lịch vệ tinh của trung tâm đầu mối du lịch lớn nhất cả nước, với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn…
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Chavi - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Long An, một trong những khó khăn lớn nhất để phát triển du lịch hiện nay vẫn là giao thông. Rất nhiều điểm tuyến du lịch được đánh giá cao nhưng chưa kết nối được với nhau. Nhiều con đường chưa được đầu tư xứng tầm, còn nhỏ, hẹp chưa gắn kết tạo thuận lợi cho du khách khi đến các khu, điểm du lịch, nhất là các điểm du lịch thuộc trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.
Ông Hiển nhìn nhận thẳng thắn: "Hiện nay đến điểm du lịch đường sá của Long An vẫn còn nhiều chỗ chưa ổn. Thật sự có điểm đến còn vướng cầu hạn chế tải trọng nên xe du lịch 45 chỗ chưa thể tới được tận nơi. Do đó dù liên kết với nhiều nhà tổ chức lữ hành, nhưng xe không tới được nên họ không muốn tổ chức khách đoàn."
Tạo điểm nhấn từ du lịch công nghiệp
Thời gian qua, Long An luôn nỗ lực phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch của Long An vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; vẫn còn hạn chế trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng...
Để du lịch Long An phát triển bền vững trong thời gian tới, nhiều chuyên gia đề nghị Long An cần đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch thế mạnh, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch gắn với văn hóa, di sản, ẩm thực; cần đầu tư khai thác các hoạt động trải nghiệm nâng cao cho du khách; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên đáp ứng được nhu cầu của du khách; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các điểm du lịch, các trung tâm đô thị; tăng cường mở tour khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn gặp khó khăn.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Thành Thanh, trước mắt tạm khắc phục khó khăn kết nối tuyến điểm, ngoài việc tận dụng tối đa tiềm năng sinh thái Đồng Tháp Mười, Long An tiến hành rà soát để cấp phép một số bến thủy nội địa trên sông Bảo Định để khai thác du lịch kết hợp với phố đi bộ và chợ đêm TP. Tân An… Đặc biệt với tình hình du lịch quốc tế phục hồi chậm, Long An hướng đến phát triển du lịch công nghiệp, phối hợp với các khu cụm công nghiệp để khai chương trình du lịch trải nghiệm, phục vụ chuyên gia nước ngoài và công nhân, người lao động tại các khu cụm công nghiệp cánh Bắc, Tây Nam TP.HCM và tỉnh Long An.
Ông Nguyễn Thành Thanh cho biết: "Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là dịch vụ lưu trú và các đơn vị lữ hành chưa phát triển nhiều, chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Long An. Tỉnh đặt ra kỳ vọng phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Long An để thu hút đầu tư và phát triển được mảng dịch vụ này.".
Cùng với văn hóa, thổ nhưỡng sông nước, Long An đang chịu nhiều áp lực khi phối hợp các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng tour, tuyến đặc trưng, tránh trùng lặp với tỉnh bạn và có nét riêng của chính mình. Đồng thời tăng cường liên kết với du lịch TPHCM để tìm kiếm cơ hội đón du khách trong nước và quốc tế. Việc tạo điểm nhấn từ nội lực phục vụ cho nhu cầu tại chỗ cũng là những bước đi hiệu quả, được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng ổn định cho du lịch Long An trong thời gian tới.
Tin nổi bật
Tin Video