Long An giải quyết bài toán nhà ở nhà ở xã hội để thu hút đầu tư FDI
(VOVTV) - Với trên 37 khu, cụm công nghiệp, tỉnh Long An có lượng lớn công nhân người lao động sinh sống, làm việc. Xung quanh các khu công nghiệp của Long An thực tế nhu cầu nhà ở rất lớn. Trong kế hoạch phát triển đô thị và thu hút đầu tư, chính quyền tỉnh Long An dự kiến đến năm 2025 có khoảng 30.000 căn hộ và đến năm 2030 có khoảng 65.000 căn, loại 40m2/căn, giải quyết chỗ ở cho 100% số công nhân có nhu cầu tại các khu, cụm công nghiệp.
Phóng viên VOV tại TP.HCM phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An về vấn đề này.
PV: Thưa ông! Long An là tỉnh phát triển công nghiệp và đô thị, đến nay toàn tỉnh có 28 dự án nhà ở xã hội, trong đó chỉ mới có 7 dự án với 1.884 căn đã đưa vào sử dụng. Mặc dù tỉnh Long An đã tìm ra nhiều giải pháp để thúc đẩy nhưng kết quả triển khai vẫn còn thấp so với kế hoạch (đạt khoảng 19%). Vậy tỉnh làm gì để có thể thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đề ra ?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Thực tế, dịch COVID-19 vừa qua tác động không nhỏ đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh Long An. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu cụm công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế xã hội và thu hút FDI của địa phương.
Để giải quyết bài toán này, UBND tỉnh Long An đã có văn bản số 4926/UBND–KTTC ngày 07/6/2023 và văn bản số 1533/KH-UBND ngày 06/6/2023 yêu cầu các Sở ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Trong đó quan tâm đến giải pháp về quy hoạch, đất đai và công tác phối hợp các sở ngành xác định lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã có, quy hoạch đang chuẩn bị triển khai và trong thời gian tới để đề xuất quy hoạch vị trí khu đất phù hợp để đầu tư các khu nhà ở xã hội.
Đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại đô thị loại 3 trở lên, khi phê duyệt đồ án quy hoạch phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật. Đối với các khu vực không phải là đô thị loại 3, UBND cấp huyện phải căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn huyện theo chương trình, kế hoạch và chỉ tiêu phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt để dành một phần diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Về giải pháp cơ chế, chính sách, UBND tỉnh Long An đã giao Sở Xây dựng lập "Đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó có đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để: Giai đoạn 2021-2025, hoàn thành 25.000 căn nhà ở cho công nhân; Giai đoạn 2026-2030, hoàn thành 10.000 căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và 55.000 căn nhà ở cho công nhân.
Long An cũng đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế thành lập Quỹ nhà ở xã hội. Quỹ này hình thành từ nguồn do các chủ đầu tư khi thực hiện dự án thuộc trường hợp phải dành 20% quỹ đất bố trí nhà ở xã hội, góp với giá trị tương đương việc dành 20% quỹ đất bố trí nhà ở xã hội theo quy định hiện nay; nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương; huy động từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Các đơn vị có liên quan sẽ hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và sẽ dùng quỹ này để thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo đúng mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tương ứng với phần diện tích của khu, cụm công nghiệp, để thu hút giữ chân công nhân làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp.
PV: Vấn đề được quan tâm hiện nay là khả năng tiếp cận của công nhân, người lao động. Long An đã và đang làm gì để giúp công nhân, người lao động tiếp cận được các dự án nhà ở xã hội giá rẻ, diện tích nhỏ phù hợp khả năng?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Hiện Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Long An chỉ đạo các ngành có liên quan tập trung nghiên cứu đầu tư các dự án nhà ở xã hội với diện tích nhỏ, phù hợp nhu cầu sử dụng, áp dụng công nghệ và vật liệu xây dựng phù hợp nhằm có giá thành phù hợp, phục vụ cho công nhân, người thu nhập thấp.
Đồng thời, đề xuất doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật về thuế; Được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; Công nhân và người thu nhập thấp được tiếp cận và vay vốn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội.
PV: Cụ thể, tỉnh Long An huy động vốn cho phát triển nhà ở xã hội như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Sắp tới Long An sẽ phải thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước (Chủ yếu là nguồn tiền từ quỹ nhà ở xã hội), vốn xã hội hóa, các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác và vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
UBND tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Long An triển khai đến các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội, người mua nhà ở xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng và tiếp tục dành quỹ vốn tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội đủ điểu kiện pháp lý theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao trách nhiệm Ban quản lý khu kinh tế thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và các khu, cụm công nghiệp dự kiến đầu tư xây dựng; gắn trách nhiệm đầu tư nhà ở công nhân với việc đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp khi lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!