Kinh tế và Phát triển

Long An chuyển đổi số đột phá trên cả 3 trụ cột

(VOVTV) - Chỉ số chuyển đổi số của Long An tăng dần qua các năm (so với 63 tỉnh, thành cả nước, năm 2020 xếp hạng 27, năm 2021 xếp hạng 21, năm 2022 xếp hạng 11). Đây có thể xem là kết quả bứt phá, cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tác giả PV/VOV TP.HCM
08/10/2023 18:10

Tỉnh ủy Long An vừa sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ chuyển đổi số từng bước được nhận thức là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết và thường xuyên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Chính vì vậy, 2 năm qua Long An tập trung xây dựng các nền tảng số để thực hiện đột phá cho nhiệm vụ này. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Bùi Nguyên Khởi - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An về nội dung này. 

Long An chuyển đổi số đột phá trên cả 3 trụ cột  - Ảnh 1.

Các cơ quan quản lý nhà nước tại Long An kết nối liên thông với các hệ thống của bộ, ngành, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng lên

Phóng viên: Thưa ông, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An về chuyển đổi số, ông có thể cho biết một số kết quả và những khó khăn, hạn chế trong công tác này?

Ông Bùi Nguyên Khởi: Công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh 2 năm qua đã đạt được kết quả tích cực trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số được nâng lên. Tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này từng bước được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Chỉ số chuyển đổi số của Long An tăng dần qua các năm (so với 63 tỉnh, thành cả nước, năm 2020 xếp hạng 27, năm 2021 xếp hạng 21, năm 2022 xếp hạng 11). Đây có thể xem là kết quả bứt phá, cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các nền tảng số, các phần mềm dùng chung đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, kết nối liên thông với các hệ thống của bộ, ngành; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng lên.

Kinh tế số bước đầu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; doanh nghiệp từng bước chủ động thực hiện chuyển đổi số. Nhiều hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Người dân, doanh nghiệp được phổ cập sử dụng dịch vụ số, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra giá trị mới.

Tuy nhiên thực tế, quá trình thực hiện vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là nguồn kinh phí dành cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn khiêm tốn. Chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa thật sự ổn định, nên chưa thu hút người dân quan tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Long An chuyển đổi số đột phá trên cả 3 trụ cột  - Ảnh 2.

. Long An phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số

Hiện nay, dữ liệu các bộ, ngành đã bắt đầu chia sẻ nhưng chưa có quy định cụ thể về tính pháp lý, giá trị dữ liệu dẫn đến việc khai thác dữ liệu được chia sẻ chỉ mang tính tham khảo, chưa thể dùng làm căn cứ phục vụ lãnh đạo ra quyết định, giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính. Một số ngành chưa chủ động xây dựng, tạo lập đầy đủ cơ sở dữ liệu ngành mình để phục vụ cho công tác quản lý, chia sẻ dữ liệu đưa vào Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt vượt mục tiêu đề ra nhưng chưa đảm bảo bền vững, đa phần cán bộ, công chức còn trực tiếp hướng dẫn người dân.

Chưa phát triển được các doanh nghiệp công nghệ số điển hình. Hoạt động thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ số hàng đầu vào đầu tư tại tỉnh còn hạn chế; chưa hình thành được Khu kinh tế công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung.

Nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó cơ chế thu hút nhân lực cũng là điểm hạn chế hiện nay trong việc tuyển dụng cán bộ công nghệ thông tin làm việc trong cơ quan nhà nước. Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng chưa thật sự phát huy hiệu quả; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số thành viên chưa cao; chưa có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Kỹ năng số của người dân chưa cao, còn e ngại, chưa sẵn sàng, chủ động tham gia chuyển đổi số, tỷ lệ người dân tham gia thanh toán trực tuyến chưa cao, chưa chủ động tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. 

Long An chuyển đổi số đột phá trên cả 3 trụ cột  - Ảnh 3.

Long An tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua các kênh tương tác trên môi trường số (Tổng đài 1022)

Phóng viên: Từ thực tế đó, thời gian tới Long An tiếp tục có những định hướng gì để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh đến 2025 và tầm nhìn 2030 theo Nghị quyết 21 đề ra?

Ông Bùi Nguyên Khởi: Trong thời gian tới, Long An tiếp tục tăng cường công tác triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với Đề án 06 của Chính phủ và các chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số. Xem đây là một trong những đột phá quan trọng góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số để tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng cùng đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Tập trung phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số. Tăng cường hợp tác, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực; tạo động lực chuyển đổi số nhanh và bền vững.

Ưu tiên bố trí ngân sách và có giải pháp linh hoạt trong quản lý tài chính, tài sản để triển khai nhanh, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực có nhu cầu cao, có lợi thế cạnh tranh nhằm góp phần phát triển tối đa kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty lớn về công nghệ số để thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của địa phương.

Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao; sử dụng tối ưu nền tảng số giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội. Hoàn thiện Kho cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Triển khai giải pháp Trung tâm dữ liệu dự phòng để đảm bảo vận hành thông suốt các nền tảng số dùng chung của tỉnh. Nâng cao chất lượng mạng truyền số liệu chuyên dùng từ tỉnh đến cấp xã đảm bảo hạ tầng mạng thông suốt phục vụ vận hành chính quyền số.

Tỉnh Long An tiếp tục triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 10% GRDP của tỉnh.

Phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân triển khai cài đặt, sử dụng Nền tảng công dân số "Long An Số". Quán triệt thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua các kênh tương tác trên môi trường số (Tổng đài 1022).

Đồng thời, tỉnh tập trung hoàn thành phổ cập dịch vụ mạng Internet và điện thoại di động thông minh; Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng; phổ cập kỹ năng số cho toàn xã hội bằng các hình thức phù hợp. Trên cơ sở kết quả thí điểm chuyển đổi số tại 03 xã, phường của tỉnh, mỗi đơn vị cấp huyện triển khai chuyển đổi số cho ít nhất 30% đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. 

Long An chuyển đổi số đột phá trên cả 3 trụ cột  - Ảnh 4.

Người dân, doanh nghiệp tham gia giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội

Phóng viên: Như vậy, việc chuyển đổi số tại Long An được cho là hướng đến sự thụ hưởng của người dân, doanh nghiệp. Ông có thể cụ thể hơn những lĩnh vực sẽ ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới?

Ông Bùi Nguyên Khởi: Hiện nay, chuyển đổi Số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu và sự chung tay của người dân. Trong đó, người dân, doanh nghiệp là trung tâm của Chuyển đổi Số, thúc đẩy Chuyển đổi Số trong xã hội, tạo động lực kéo tiến trình Chuyển đổi Số trong cơ quan Nhà nước.

Tỉnh Long An sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi số ở lĩnh vực y tế. Trong đó tập trung khai thác sử dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện được triển khai tại các bệnh viện, trung tâm y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh và quản lý dữ liệu ngành. Lĩnh vực giáo dục, tiếp tục khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://csdl.moet.gov.vn). Lĩnh vực văn hóa và du lịch: Triển khai thí điểm Cổng thông tin du lịch (https://mylongan.vn) và ứng dụng di động du lịch thông minh (Long An Tourism).

Ở lĩnh vực nông nghiệp: Duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản, đến nay đã hỗ trợ 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Lĩnh vực giao thông và logistics đang duy trì triển khai phần mềm quản lý hạ tầng giao thông GOVONE phục vụ công tác quản lý bảo trì, bảo dưỡng các công trình, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh…

Long An tập trung các giải pháp để người dân, doanh nghiệp tham gia giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội, cùng giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị cho cộng đồng./.

Xin cảm ơn ông! 

Ý kiến của bạn