Tin tức

Loạt nước tẩy chay Olympic, Trung Quốc ngày càng bị cô lập?

Trung Quốc dường như ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế khi Mỹ và các nước đồng minh tuyên bố tẩy chay Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.

15/12/2021 08:45

Olympic Bắc Kinh 2022 là sự kiện thể thao lớn, mang nhiều ý nghĩa và được quốc tế chờ đợi. Tuy nhiên, hình ảnh của sự kiện này đang bị phủ bóng yếu tố chính trị khi loạt nước lên tiếng tẩy chay ngoại giao, tuyên bố không cử đại diện tới dự Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Động thái này một lần nữa đặt câu hỏi về vai trò, vị thế cũng như hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.

‘Tiền hô, hậu ủng’

Từ lâu, Olympic luôn là sự kiện khẳng định được những mục tiêu tốt đẹp, đó là góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và công bằng, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo giữa các nước trên thế giới. Thế nhưng, ý nghĩa đó đang phần nào bị phủ bóng trước những động cơ mang tính chính trị khi Mỹ và đồng minh “tiền hô, hậu ủng”, đồng thanh lên tiếng tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022.

Loạt nước tẩy chay Olympic, Trung Quốc ngày càng bị cô lập? - Ảnh 1.

Olympic Bắc Kinh 2022 là sự kiện thê thao lớn, được thế giới chờ đợi

Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022 hôm 6/12, không cử phái đoàn ngoại giao sang Trung Quốc dự lễ khai mạc sự kiện thể thao này. Tuy nhiên, vận động viên Mỹ vẫn sẽ sang Bắc Kinh tham dự Olympic và sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ quê nhà.

Mỹ ngay lập tức thông báo quyết định này đến các đồng minh. Theo tiếng gọi của Washington, loạt đồng minh thân cận của nước này cũng lên tiếng, đưa ra tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022. Các nước này gồm Australia, Anh, Canada, New Zealand, trong khi đó Nhật Bản vẫn còn do dự, tỏ ra “úp mở” trước quyết định của mình.

Lý do được Mỹ và các quốc gia đưa ra là do lo ngại vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc cũng như tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường. Washington thường xuyên cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chính sách hà khắc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương cũng như hành động đàn áp ở Hong Kong. Tuy nhiên, Trung Quốc bác lập luận này, cho rằng Mỹ đưa ra các cáo buộc “vô căn cứ”.

Thực ra, cuộc tẩy chay ngoại giao của Mỹ và đồng minh đối với Olympic Bắc Kinh 2022 phần lớn mang ý nghĩa biểu tượng bởi vận động viên các nước trên vẫn tranh tài ở Olympic. Điều này cho thấy toan tính của Washington vẫn có chừng mực, thậm chí có phần nhượng bộ với Bắc Kinh. Bởi nếu Mỹ muốn thể hiện sự quyết liệt và gay gắt hơn đối với Trung Quốc thì cần kèm quyết định tẩy chay này với các hành động khác.

Thế nhưng, dù sao quyết định tẩy chay ngoại giao cũng được xem là đòn giáng mạnh vào uy tín của Trung Quốc - quốc gia vẫn luôn tuyên bố trở thành cường quốc có trách nhiệm. Hơn nữa, động thái này cũng cho thấy áp lực ngày càng tăng từ phương Tây với Trung Quốc. Các nước không nhằm mục đích thay đổi chính sách hay tìm kiếm nhượng bộ từ Trung Quốc mà đây thuần túy là một cuộc tẩy chay chính trị.

Quyết định tẩy chay ngoại giao của các nước đối với sự kiện thể thao tầm cỡ được tổ chức ở Bắc Kinh cho thấy tiếng nói, anh hương của các quốc gia đồng minh đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Bơi sau động thái của Mỹ, các nước liên đưa ra tuyên bố tương tự. Điều này một lần nữa thể hiện rõ nét chính sách ngoại giao của Mỹ dưới chính quyền Biden, hợp tác cùng đối tác, liên minh để đối phó với Bắc Kinh.

Sự đồng thanh phản đối Trung Quốc cũng đã được Mỹ và các đồng minh thể hiện nhiều lần trong thời gian qua. Từ việc kêu gọi cấm gã khổng lồ công nghệ của Huawei cho đến đệ công hàm lên Liên hợp quốc, phản đối các hành động ngang ngược, bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Biden giờ đây không muốn “một mình” đối chọi với Bắc Kinh, mà muốn cuộc chiến này phải có sự cộng hưởng sức mạnh từ các đồng minh, đối tác của mình.

Chính quyền Biden dường đang thành công khi tập hợp các bên trong việc phản đối những động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề bề nổi là nhân quyền và sâu xa hơn là sự vươn vòi của Bắc Kinh ở nhiều khu vực. Mỹ đang mở rộng đối đầu Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực và các đồng minh sẵn sàng hưởng ứng “vòng vây ngoại giao” mà Washington đang siết quanh Bắc Kinh.

Loạt nước tẩy chay Olympic, Trung Quốc ngày càng bị cô lập? - Ảnh 2.

Lời kêu gọi tây chay Olympic Bắc Kinh 2022 của Mỹ nhận được sự hương ứng từ các đồng minh

Trung Quốc bị cô lập?

Trên thực tế, nếu không có chiến dịch tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh 2022, chính phủ các nước cũng khó khăn trong việc cử đại diện ngoại giao đến Trung Quốc để dự sự kiện này. Bởi lẽ, Trung Quốc đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt để phòng COVID-19. Theo đó, người đến Trung Quốc có thể bị cách ly 2 - 3 tuần và kiểm tra sức khỏe hằng ngày.

Chống dịch “một mình một kiểu” với quan điểm “Zero COVID-19”, Trung Quốc cũng không quá kỳ vọng về sự hiện diện của quan chức quá nhiều nước đối với Olympic Bắc Kinh 2022. Do đó, những ồn ào tẩy chay ngoại giao của Mỹ và đồng minh hầu như chỉ mang tính biểu tượng nhằm vào Trung Quốc.

Dù xuất phát từ mục đích nào thì động thái tẩy chay ngoại giao của các nước rõ ràng sẽ là đòn đánh mạnh vào tham vọng trỗi dậy, gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc. Mỹ và những nước tham gia hiệu ứng tẩy chay ngoại giao không muốn Bắc Kinh tận dụng cơ hội tổ chức sự kiện thể thao này để gia tăng uy tín. Đây chính là hệ quả của các hành vi đáng lo về kinh tế, nhân quyền và nhiều hình thức cưỡng ép khác của Trung Quốc.

Mỹ và các nước thời gian qua lên án Trung Quốc vì các hành động ngang ngược, phớt lờ luật pháp quốc tế cũng như không minh bạch trong cuộc điều tra nguồn gốc dịch COVID-19. Tất cả những điều này đang làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế với Trung Quốc - quốc gia vốn nuôi mộng trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới.

Việc nhiều nước hưởng ứng lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao của Mỹ cho thấy Washington và đồng minh sẵn sàng phản đối cách tiếp cận áp đặt của Bắc Kinh ở nhiều khu vực, chặn tham vọng bá quyền của nước này. Không chỉ Olympic lần này, các nước đang “tấn công trực diện” vào Trung Quốc về nhiều vấn đề, bao hàm cả những “lằn ranh đỏ” hay “lợi ích cốt lõi” theo định nghĩa của Bắc Kinh như Biển Đông, biển Hoa Đông, Hong Kong, Đài Loan…

Loạt nước tẩy chay Olympic, Trung Quốc ngày càng bị cô lập? - Ảnh 3.

Áp lực đối với Trung Quốc gia tăng trước thềm Olympic Bắc Kinh 2022

Nỗ lực “tẩy chay ngoại giao” của Mỹ gia tăng rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung, vốn đang có hy vọng tan băng sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tháng trước, trong đó hai lãnh đạo cam kết ngăn mối quan hệ lao dốc thêm. Động thái này cũng củng cố nhận định rằng chính quyền Biden đang ngày càng cứng rắn với Trung Quốc, dù mong muốn quan hệ song phương không vượt khỏi “rào chắn” an toàn, sa vào xung đột.

Chưa hết, chiến dịch kêu gọi tẩy chay ngoại giao của Mỹ cũng đẩy một số quốc gia vào thế khó khi phải chọn tây chay hay không. Đặc biệt là với các quốc gia châu Âu từng chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền và dân chủ ở Hong Kong và Tân Cương nhưng lại có quan hệ thương mại sâu rộng Trung Quốc.

Rõ ràng, cuộc tẩy chay ngoại giao của Mỹ và đồng minh đánh dấu bước lùi trong quan hệ với Trung Quốc, khiến leo thang căng thẳng. Quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia này khó trở lại trạng thái bình thường “một sớm, một chiều”. Mặc cho nỗ lực hàn gắn nhiều tháng qua, quyết định tẩy chay ngoại giao làm tổn hại đến cơ hội tham gia vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phục hồi nền kinh tế thế giới sau đại dịch và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lựa chọn các biện pháp đáp trả trước động thái của Mỹ và đồng minh bằng một số hành động thương mại, cắt đứt khoản đầu tư tiềm năng, cân nhắc tẩy chay Thế Vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles, Mỹ và Thế Vận hội mùa hè 2032 tại Brisbane, Australia. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ áp lệnh trừng phạt với các tổ chức, cá nhân của các nước như cấm nhập cảnh, cấm làm ăn với công dân và các tổ chức tại Trung Quốc.

Xâu chuỗi các sự kiện, mốc thời gian dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, có thể thấy Mỹ đang gây dựng được liên minh vững chắc khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh và đối tác trong việc chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc, đối phó với các hành vi gây hấn của nước này trong khu vực. 

Điều đó chắc chắn đang tạo ra áp lực lớn đối với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, từ kinh tế, quân sự, ngoại giao cho đến văn hóa, thể thao. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ có những bước đi, toan tính trong việc hạn chế tác động, ảnh hưởng từ hợp lực giữa Mỹ và đồng minh, củng cố và gia tăng ảnh hưởng, vai trò của Bắc Kinh.

Ý kiến của bạn