Loạn thuốc 'xách tay' phòng, chữa Covid-19
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, gần đây, thị trường thuốc trực tuyến xuất hiện nhiều mặt hàng “xách tay” từ Ấn Độ, Nga, Trung Quốc… được quảng cáo có khả năng dự phòng và điều trị Covid-19. Điều đáng nói, mỗi tài khoản trên mạng xã hội lại rao bán thuốc với giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/hộp. Theo các chuyên gia, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh “tiền mất, tật mang”.
Rao bán thuốc chưa được cấp phép
Kể từ khi gần khu vực sinh sống phát hiện chùm ca mắc Covid-19 trong một gia đình, bà Nguyễn Thị Nhung (63 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) rất lo lắng. Bà đã nhờ người quen mua thuốc dự phòng Covid-19 được quảng cáo là hàng “xách tay” từ Nga.
“Qua quảng cáo của người bán trên mạng internet, loại thuốc Arbidol dùng để dự phòng có giá từ 380.000 đến 480.000 đồng/hộp (10 viên) được dùng phổ biến ở Nga cho cả trẻ em và người lớn. Trẻ em 6-12 tuổi uống 1 viên, người lớn uống 2 viên.
Hộp màu xanh giúp tăng đề kháng chống Covid-19, còn loại màu đỏ dành cho đối tượng F1, F2. Nếu tiếp xúc với F0, thì uống ngay sau khi phơi nhiễm với liều lượng 1 lần/ngày và liên tục 10-14 ngày”, bà Nhung cho biết.
Theo một người bán thuốc “xách tay” ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, giá bán sỉ và lẻ khác nhau. Thậm chí, người này không đọc được chính xác tên thuốc, vì nhãn mác toàn chữ nước ngoài. Không những vậy, nhiều trang mạng xã hội còn quảng cáo thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” là “một phần liệu pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung Quốc” với tác dụng ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Trong tháng 9-2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã thu giữ gần 10.000 hộp thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” nhập lậu tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đưa ra cảnh báo, một số đối tượng đã rao bán các loại thuốc được quảng cáo là thuốc điều trị Covid-19 trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Các loại thuốc trên chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng.
Xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm
Theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6-10-2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 được cập nhật lần thứ 7, có 3 thuốc kháng vi rút được đưa vào phác đồ điều trị, bao gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ có 3 loại thuốc trên được Bộ Y tế xem xét, đánh giá tính hiệu quả và an toàn. Trong khi những loại thuốc khác không rõ thành phần như thế nào, công dụng đến đâu, thì người dân không nên sử dụng.
Hơn nữa, mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, cần có chỉ định của bác sĩ về liều lượng theo từng giai đoạn bệnh. Nếu dùng thuốc tùy tiện sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. “Có những loại thuốc được quảng cáo là dự phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện chỉ có vaccine và “5K” mới giúp chúng ta phòng tránh và giảm các triệu chứng tăng nặng khi mắc Covid-19”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.
Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park, hiện Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị cho việc chuyển sang trạng thái “bình thường mới” và vaccine có ý nghĩa quan trọng phòng Covid-19. Tuy nhiên, vaccine không phải là “chìa khóa vạn năng” có thể ngăn chặn sự lây lan của vi rút, mà cần nghiêm túc thực hiện “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế).
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn lưu ý, người dân không nên tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà. Các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa đối với việc bán hàng, quảng cáo trực tuyến, nhất là thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, như: Cục Quản lý dược, Thanh tra Bộ Y tế tăng cường quản lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc; quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá bất hợp lý… Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, kịp thời lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tin nổi bật
Tin Video