Tin tức

Lo ngại về chủng đột biến Covid-19 lây từ chồn sang người

Ngày 7/11, Anh cấm du khách đến từ Đan Mạch khi một đột biến Covid-19 lây lan từ chồn sang người được tìm thấy ở nước này. Nhiều người lo ngại chủng đột biến có thể cản trở  hiệu quả của vaccine Covid-19, nhưng bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO cho biết còn quá sớm để đưa ra kết luận.

09/11/2020 08:58
Lo ngại về chủng đột biến Covid-19 lây từ chồn sang người - Ảnh 1.

Đan Mạch đã tiêu hủy 17 triệu con chồn vì phát hiện đột biến virus SARS-CoV-2

Xác nhận 12 trường hợp mắc Covid-19 đột biến từ chồn

Có sáu quốc gia đã báo cáo các trường hợp người nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan đến các trang trại nuôi chồn hương. Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận Mỹ, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh Covid-19 ở chồn.

Viện Huyết thanh Nhà nước của Đan Mạch, chuyên về các bệnh truyền nhiễm, cho biết một chủng virus SARS-CoV-2 đột biến đã được tìm thấy ở 12 người và năm trang trại nuôi chồn hương.

Trong tuần này, Đan Mạch đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với miền bắc của nước này sau khi có cảnh báo một đột biến của virus SARS-CoV-2 đã nhảy từ chồn sang người.

Lo ngại về chủng đột biến Covid-19 lây từ chồn sang người - Ảnh 2.

Đan Mạch đã phong tỏa bảy thị trấn ở Bắc Jutland, nơi một dòng virus SARS-CoV-2 tiến hóa ở chồn được xác định ở người

Đã có hàng trăm trường hợp virus SARS-CoV-2 lây lan từ chồn sang người, nhưng chủng đột biến được giới hạn trong 12 trường hợp.

Ngày 5/11, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết, chủng mới có thể gây ra rủi ro đối với hiệu quả của vaccine Covid-19 vốn đang được nhiều người mong đợi vì các kháng thể do vaccine tiêm chủng cung cấp có thể không đủ hiệu quả.

Bình luận của bà Frederiksen đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Thủ tướng Đan Mạch kêu gọi hành động ngay lập tức, đồng thời nói thêm rằng “cả thế giới đang hướng về chúng ta”.

Tiến sĩ Tyra Grove Krause, Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch nói với các phóng viên hôm 6-11 rằng, mặc dù không có “bằng chứng đầy đủ”, các nhà khoa học vẫn quyết tâm hành động dựa trên thông tin mà họ có được để phòng ngừa nguy cơ này.

Lo ngại về chủng đột biến Covid-19 lây từ chồn sang người - Ảnh 3.

Đan Mạch lần đầu tiên biết được một dòng virus SARS-CoV-2 đã lây lan từ chồn vào tháng 6. Ảnh: Chồn trong trang trại

Sau tuyên bố của Thủ tướng Đan Mạch, từ 4 giờ sáng 7/11, Anh đã cấm tất cả các du khách đến từ nước này. Tất cả những du khách không có quốc tịch Anh hoặc cư dân đã đến hoặc quá cảnh qua Đan Mạch trong 14 ngày qua sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Vương quốc Anh.

Một phát ngôn viên của Bộ Giao thông vận tải Anh cho biết: “Không giống như các tour du lịch khác đến Vương quốc Anh, sẽ không có miễn trừ đối với chính sách kiểm dịch này".

“Chính phủ Anh đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để hiểu những thay đổi về virus đã được báo cáo ở Đan Mạch và chúng tôi đang tiến hành một chương trình nghiên cứu thêm tại Vương quốc Anh để đưa ra các đánh giá rủi ro”, phát ngôn viên cho biết.

Đan Mạch đã lên kế hoạch tiêu hủy 17 triệu con chồn. Năm quốc gia khác cũng đã báo cáo các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở chồn, tuy nhiên không rõ liệu đây có phải là loại virus đột biến hay không.

Quá sớm để kết luận đột biến virus từ chồn ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine covid-19

Lo ngại về chủng đột biến Covid-19 lây từ chồn sang người - Ảnh 4.

Những con chồn bị tiêu hủy ở Đan Mạch.

Ngày 6/11, WHO cho biết trong một tuyên bố rằng, biến thể virus SARS-CoV-2 ở Đan Mạch mang tên Cluster 5 đã “giảm độ nhạy vừa phải với các kháng thể trung hòa".

Tuyên bố viết: “Các quan sát ban đầu cho thấy biểu hiện lâm sàng, mức độ nghiêm trọng và sự lây lan giữa những người bị nhiễm bệnh tương tự như các virus SARS-CoV-2 đang lưu hành khác”.

Tuy nhiên, theo tuyên bố, biến thể Cluster 5 có sự kết hợp của các đột biến hoặc những thay đổi chưa từng được quan sát trước đây. Tác động của những thay đổi được xác định trong biến thể này vẫn chưa được hiểu rõ.

WHO kêu gọi các nghiên cứu sâu hơn để xác minh những phát hiện ban đầu và để hiểu bất kỳ tác động tiềm ẩn nào của phát hiện này về chẩn đoán, điều trị và vaccine đang được phát triển.

WHO lưu ý: “Mặc dù virus SARS-CoV-2 này được cho là có tổ tiên từ loài dơi, nhưng nguồn gốc và các vật chủ trung gian của nó là vẫn chưa được xác định”.

Bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho rằng, việc lây lan virus giữa động vật và người là “một mối lo ngại”, nhưng bà nói thêm: “Các đột biến ở virus là bình thường. Những biến đổi này trong virus là điều mà chúng tôi đã theo dõi ngay từ đầu”.

Còn bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của WHO cho biết còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Bà nói: “Chúng ta cần chờ xem tác động của nó là gì, nhưng tôi nghĩ không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc liệu đột biến này có ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine hay không. Chúng ta không có bất kỳ bằng chứng nào vào lúc này”.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn