Lo con 'mất gốc' khi học online, phụ huynh chi tiền triệu học thêm
Lo lắng con bị hổng kiến thức khi học online, nhiều phụ huynh gấp rút tìm các lớp học thêm, mời gia sư dạy kèm cho con trong mùa dịch.
Chị Nguyễn Thanh Hiền (Hà Đông, Hà Nội) có 3 con nhỏ cho biết, ngoài các tiết học trực tuyến trên lớp, hàng ngày chị đều dành thời gian để dạy thêm cho con gái đang học lớp 1. Riêng với 2 con đang học lớp 8 và lớp 10, chị Hiền phải mời giáo viên và gia sư đến tận nhà kèm thêm cho con. Học phí để mời cô giáo dạy riêng là 400.000 đồng/1,5 giờ, học phí học cùng gia sư là sinh viên khoảng 200.000 đồng/2 giờ, mỗi tuần học từ 3-4 buổi. Tính trung bình, mỗi tuần chị Hiền chi hơn 2 triệu đồng cho con học thêm để củng cố kiến thức.
“Việc học trực tuyến thời gian qua với các con thực sự chưa hiệu quả, thời gian học online kéo dài, nếu không có cách bổ trợ kiến thức thì con rất dễ bị mất gốc. Hơn nữa lớp 8 là năm quan trọng chuẩn bị cho lớp 9 và kỳ thi vào lớp 10, còn với lớp 10 lại là năm đầu tiên tại bậc THPT nên việc có một nền tảng vững chắc rất quan trọng.
Tôi thực sự chưa yên tâm khi con chỉ học online theo chương trình trên lớp, có rất nhiều nội dung con không hiểu, bố mẹ lại không thể giảng. Nếu chương trình học online chính khóa đã đảm bảo, có lẽ phụ huynh cũng không muốn con phải vất vả học thêm, cha mẹ gánh thêm chi phí”, chị Hiền cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay, dù không muốn con học hành vất vả, song chị vẫn lựa chọn cho con học thêm mùa dịch bởi lo ngại con bị thiếu quá nhiều kiến thức khi học online kéo dài.
“Với những con không có ý thức tự học rất dễ sa đà vào mạng internet. Buổi chiều thường là thời gian con tự học, nhưng khi không có bố mẹ thì con không học, thậm chí nhiều bạn trong lớp còn rủ nhau không làm bài tập vì cô không có thời gian kiểm tra. Cuối tuần cô vẫn yêu cầu phụ huynh ký vào vở bài tập gửi cô kiểm tra nhưng thực tế cô giáo cũng không có thời gian kiểm tra hết các con.
Nhiều khi bố mẹ xem bài vở mới phát hiện con không ghi bài hoặc không ghi chép đầy đủ. Nhiều phụ huynh trong lớp bởi vậy đã đề nghị cho các con được học thêm 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Phụ huynh thực sự lo lắng rằng khi trở lại học chính khóa con sẽ bị hổng kiến thức”, chị Thanh nói.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hiền (Long Biên, Hà Nội), trong thời gian dịch bệnh, giáo viên chủ nhiệm có đề xuất cho các con học thêm online dựa trên tinh thần tự nguyện. Chị Hiền là một trong số nhiều phụ huynh đồng ý cho con học thêm online. “Biết chắc học online không hiệu quả, nhưng hiện nay các con vẫn học trực tuyến, bố mẹ vẫn phải đi làm nên việc con chơi game, vào mạng internet tự do rất khó kiểm soát. Nếu con học thêm sẽ bớt được thời gian chơi game”.
Học thêm đừng vì thành tích, phải xuất phát từ nhu cầu của trẻ
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, học thêm cần xuất phát từ nhu cầu của mỗi học sinh và khả năng đáp ứng của mỗi gia đình. Việc học thêm hiệu quả là khi hoạt động đó mang lại giá trị cho trẻ, bố mẹ phải hiểu được nhu cầu và khả năng của con từ đó tìm được chương trình học phù hợp. Việc học thêm hoàn toàn chính đáng khi học sinh và phụ huynh ở thế chủ động.
“Học thêm cần có sự lựa chọn tinh tế để đạt được hiệu quả. Chương trình học, điều kiện học, tất cả đều phải hướng đến sự phát triển năng lực của con, các con phải tự học, ham học chứ không phải học một cách cưỡng ép, nhồi nhét, để lấy thành tích. Đặc biệt việc học thêm cũng cần cân nhắc đến sức khỏe. Không ít cha mẹ vì mong muốn con có thành tích cao mà bắt học thêm quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, chuyện cấm dạy thêm học thêm đã được ngành giáo dục nói đến từ nhiều năm nay, tuy nhiên rất khó cấm tuyệt đối dạy thêm học thêm, bởi thực tế nhiều phụ huynh, học sinh vẫn có nhu cầu. Hơn nữa, khi hướng đến mục tiêu giáo dục suốt đời, mọi dịch vụ giáo dục cũng sẽ được sinh ra để đáp ứng nhu cầu xã hội. Về công tác quản lý, để hạn chế tiêu cực, cần phân biệt rõ việc giáo viên dạy thêm những kiến thức đáng ra học sinh đã được học trong hệ thống giáo dục quốc dân và việc học thêm dựa trên mong muốn thực sự của từng em.
Đặc biệt, cũng cần xác định rõ để không bị đánh tráo giữa 2 khái niệm trên khiến các em phải học thêm dưới mác tự nguyện một cách vô tội vạ và không được hưởng những gì đáng ra được học trong nhà trường.
“Nhu cầu của mỗi học sinh rất đa dạng, bởi vậy hãy quan tâm đến thực tế nhu cầu của các em, khả năng đáp ứng của mỗi em và gia đình để tìm những chương trình giáo dục phù hợp vì sự phát triển năng lực của trẻ”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, một số đại biểu Quốc hội cho biết, dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong mùa dịch, nhưng thực tế vẫn xuất hiện các lớp dạy thêm trực tuyến. Thậm chí học sinh bị ép học thêm.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng cần nhìn nhận khách quan nguyên nhân của việc dạy thêm, học thêm, ý nghĩa của việc dạy thêm, học thêm để có cách ứng xử phù hợp với vấn đề này, không chỉ đơn giản không quản được thì cấm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đồng quan điểm cho rằng, việc học thêm và dạy thêm phải xuất phát từ chính nhu cầu của học sinh, phụ huynh, dựa trên năng lực của từng em.
“Việc dạy thêm nếu xuất phát từ nhu cầu của người học, có em muốn học thêm vẽ, học thêm nhạc, học thêm tiếng Anh… thầy dạy dựa trên mong muốn của các em là điều chính đáng. Học thêm không chính đáng cần dẹp bỏ là khi chương trình chính khóa cơ bản đã đủ kiến thức, nhưng giáo viên vẫn ép, gợi ý cho học sinh học thêm vì mục đích kinh tế.
Thậm chí có những nơi việc ép học sinh học thêm vẫn núp dưới mác tự nguyện, nhà trường cho phụ huynh ký vào đơn đồng ý xin học thêm để né việc xử lý của cơ quan chức năng”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc học thêm dạy thêm ngày càng nhiều có nguyên nhân chính xuất phát từ chính mong muốn của cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh vì muốn con đỗ đạt nên đăng ký học thêm hết lớp này đến lớp kia. Nhiều khi chính cha mẹ cũng chưa nhận thức được đầy đủ con đang cần những kiến thức, kỹ năng gì. Bên cạnh đó, vấn đề lương thưởng của nhà giáo hiện nay còn quá thấp, khiến nhiều người buộc phải dạy thêm để có thu nhập.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, muốn hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm phụ thuộc rất lớn vào đạo đức của người thầy, giáo viên phải vì học sinh thân yêu, dạy học với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục. Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức đúng đắn về năng lực và nhu cầu của chính con em mình.
Tin nổi bật
Tin Video