Giải trí

Lính tăng

Trong chiến tranh có biết bao “cảnh ngộ oái oăm, trớ trêu, đau đến khóc ra máu”. Ở hoàn cảnh ấy, không có người đúng, chẳng có kẻ sai, ví như câu chuyện về người lính thông tin Nguyễn Văn Nhã trong tiểu thuyết Lính tăng của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

20/12/2020 10:11

Không đơn thuần là một nhân vật trong tiểu thuyết, Đại tá Nguyễn Văn Nhã là người thật - chuyện thật ngoài đời. Chàng trai Nhã đi bộ đội khi đang là giáo viên dạy môn sử ở một ngôi trường cấp 3, đã cưới vợ nhưng chưa kịp biết mặt con. 

Lính tăng - Ảnh 1.

Tiểu thuyết Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn

Dũng cảm, thông minh, có trách nhiệm, từ một tân binh Nhã dần trưởng thành qua mỗi nhiệm vụ gian khó được phân công. Những lần “vào sống ra chết”, những khi thực hiện “nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ”, Nguyễn Văn Nhã đã... hai lần được truy điệu.

Lần đầu là “truy điệu... sống”, khi anh mới nửa năm tuổi quân, đơn vị làm lễ truy điệu trước cho anh và một đồng đội để cả hai chuẩn bị cùng thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. “Lao vào chỗ chết có khi sống”, liên tục chạy, nằm, bò rồi lại chạy, nằm, bò để đấu trí đấu dũng với những chiếc máy bay địch lượn vè vè tìm mục tiêu ngay trên đầu, Nguyễn Văn Nhã và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Lần truy điệu sau là ở quê nhà, khi tin anh mất tích truyền về gia đình và trường học nơi anh công tác. Sau lần truy điệu ấy, cha mẹ anh đồng ý cho con dâu đi thêm bước nữa, để rồi khi anh được nghỉ phép trở về, giữa sự mừng vui của gia đình làng xóm vì người con trai, người chồng, người cha, người thầy giáo vẫn còn sống, còn mạnh khỏe, là những giọt nước mắt tái tê, nuối tiếc...

Nguyễn Bắc Sơn đã đưa vào Lính tăng những câu chuyện chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, tâm lý nhân vật được ông miêu tả kỹ càng qua từng nỗi khát khao, mong nhớ, nghĩ suy thường nhật. Cùng với Nguyễn Văn Nhã, còn có hàng loạt nhân vật cũng đi từ nguyên mẫu có thật trong đời. Đó là Trần Văn Vụ, người bạn thân của Nguyễn Văn Nhã. 

Mối tình tiền tuyến - hậu phương của Vụ đẹp đẽ và may mắn hơn Nhã, trước khi nhập ngũ mới chỉ dám ngỏ lời, rồi yêu nhau qua những cánh thư, và kết thúc có hậu. Đó còn là chỉ huy Lê Tịnh tính nóng như lửa, khi bị bom “phạt cả một cẳng chân, phạt gãy chân kia, phá nát một mảng dưới bụng”, người lính tăng có quân hàm cao nhất tiểu đoàn ấy lại chỉ nói một câu “thằng Vàng Pao đã cướp mất hai mươi mốt năm quân ngũ của tau rồi!”. 

Và nhiều nhân vật khác nữa, tuy chỉ là điểm xuyết trong từng chặng đường nhưng cũng góp phần tô đậm chân dung người chiến sĩ xe tăng anh hùng.

Phần “Chú thích” ở cuối sách cho thấy Nguyễn Bắc Sơn rất tỉ mỉ với từng nhân vật. Dù có khi chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết vài lần, nhưng tất cả đều là nhân vật có thực của Tiểu đoàn xe tăng 195 mà nhà văn dựa vào đó để cấu thành tác phẩm. 

Bởi thế, Lính tăng dù đôi phần khô cứng do chứa nhiều dữ kiện thông tin nhưng vẫn khiến bạn đọc cảm phục, xót xa trước những số phận thiếu may mắn, và ấm lòng khi nhiều người trong số họ cuối cùng cũng tìm được tổ ấm hạnh phúc của riêng mình. Đặc biệt, ở khúc “Vĩ thanh”, Nguyễn Bắc Sơn như “bật mí” thêm cho bạn đọc biết về “gia đình lính tăng”. Ví như: “Cứ tưởng lính tăng toàn đực rựa. Nhầm to!”. 

Ví như nghệ sĩ Bích Việt “người đẹp như bông hoa rừng, hát hay hơn chim rừng líu lo sáng sớm” vốn là nữ thợ điện, sửa chữa máy thông tin trên xe tăng. Hay chuyện cánh lính tăng “chả ai gọi nhau bằng tên thật, “Quê” là tên chung mà lính tăng xưng hô với nhau”...

Tiểu thuyết Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn do NXB Văn học và Tạp chí Văn nghệ Quân đội liên kết xuất bản.

Ý kiến của bạn