Liệu thạch cao có phải là chất 'kịch độc' như lời đồn?
(VOVTV) - Thạch cao vốn được sử dụng rất nhiều trong đời sống hiện nay, và trong y học cổ truyền thạch cao là một vị thuốc.
Thạch cao là khoáng vật trầm tích hay phong hóa, với thành phần là muối canxi sulfat ngậm 2 phân tử nước (CaSO4.2H2O).
Có hai dạng hay sử dụng trong đời sống hàng ngày là: Thạch cao mềm (muối canxi sunfat ngậm nước) hay dùng trong y học và thạch cao khan (muối canxi sulfat mất nước) thường dùng trong ngoại khoa chấn thương để băng bó, sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.
Thực tế thạch cao có hại không?
Thạch cao có lịch sử trong đời sống của con người khoảng hơn 5.000 năm. Từ thời Ai Cập cổ đại, nơi mà các đặc tính của thạch cao đã được khám phá.
Cách đây 5.000 năm, người Ai Cập đã biết đốt thạch cao trên lửa, sau đó nghiền thành bột và trộn bột này với nước để làm vật liệu trám trét giữa các khối đá trong lăng mộ, chứng tích còn lưu dấu ở kim tự tháp vĩ đại Cheops.
Người Hy Lạp cũng sử dụng thạch cao trong các đền đài của họ. Người La Mã đã đúc hàng ngàn bản sao các bức tượng Hy Lạp bằng thạch cao. Đến năm 1775, nhà khoa học người Pháp – Lavoisier đã tìm ra công thức hóa học của thạch cao là CaSO4.2H2O.
Từ những dẫn chứng gián tiếp trên cho thấy việc tiếp xúc với thạch cao hàng ngày không có hại.
Ngay cả khi chẳng may uống một lượng thạch cao vào cơ thể thì bạn cũng đừng lo lắng. Bởi khi vào trong ống tiêu hóa, CaSO4.2H20 không hòa tan và cũng không hấp thu được vào máu. Vì CaSO4 là một muối khó tan - cơ thể chỉ có thể hấp thu được khi các ion hòa tan và có phản ứng với các chất vận chuyển đặc hiệu.
Nhiều người sẽ thắc mắc nếu thạch cao không tan vậy nó ở lâu ngày trong ruột sẽ gây ra ung thư. Thực tế hệ tiêu hóa của chúng ta thật sự tuyệt vời với hệ thống vi lông mao giúp cho không có bất cứ cái gì có thể lắng đọng được trên đường tiêu hóa hay kết tủa như các bạn tưởng tượng và ung thư không liên quan gì đến CaSO4.
Uống thạch cao nhiều gây ra sỏi thận?
Sỏi thận là một quá trình rối loạn và lắng đọng của những muối không tan (canxi photphat - sỏi san hô) hay muối tan (muối urat - sỏi urat) và sự rối loạn của một loạt các tuyến kèm theo. Vì thế, việc sử dụng thực phẩm, sản phẩm chứa nhiều thạch cao không hề liên quan đến việc gây ra sỏi thận.
Bs. Lương Hoài Linh
Tin nổi bật
Tin Video