Liên tiếp xảy ra động đất tại Kon Tum: chuyên gia khuyến cáo gì?
(VOVTV) - Theo các chuyên gia địa chấn, các trận động đất xảy ra thời gian qua ở Kon Plông là động đất kích thích, hình thành do sự tích nước nhanh chóng của các hồ chứa đập thuỷ điện tại khu vực này. TS. Nguyễn Xuân Anh- Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, tại Kon Tum, khó có khả năng xảy ra động đất vượt quá mức độ 5.5.
Theo thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt, đến thời điểm này, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, hệ thống của Trung tâm đã ghi nhận 24 trận động đất xảy ra tại đây, nhiều nhất từ trước tới nay.
Các trận động đất xảy ra hôm nay có độ lớn từ 2.5 đến 3.7, với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Các trận động đất này được đánh giá thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trước đó, trong hôm qua (28/07), cũng tại khu vực huyện Kon Plông, hệ thống của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã ghi nhận được 21 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0 xảy ra tại đây. Đáng chú ý là trận động đất có độ lớn 5.0, thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Đây là trận động đất có mức độ mạnh nhất từ trước tới nay ở Kon Plông. Sự cố đã làm nhiều công trình hư hỏng. Không chỉ Kon Tum, người dân ở các tỉnh thành khác nằm cách xa tâm chấn hàng trăm km cũng cảm nhận được rung lắc.
Theo các chuyên gia địa chấn, các trận động đất xảy ra thời gian qua ở Kon Plông là động đất kích thích, hình thành do sự tích nước nhanh chóng của các hồ chứa đập thuỷ điện tại khu vực này. TS. Nguyễn Xuân Anh- Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, tại Kon Tum, khó có khả năng xảy ra động đất vượt quá mức độ 5.5.
""Khi những trận động đất từ 5 xảy ra thì nó sẽ kéo các trận động đất nhỏ hơn liên tiếp xảy ra. Chúng tôi cũng dự báo là động đất ở đây khó vượt qua mức 5.5. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng cần đánh giá chi tiết mức động đất ở đây. Chúng tôi cũng khuyến cáo địa phương cần rà soát đánh giá thiệt hại, các công trình kháng chấn yếu…", TS. Nguyễn Xuân Anh nói.
Các chuyên gia địa chấn cũng nhấn mạnh, về quy luật, các trận động đất xảy ra tại khu vực này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, tùy thuộc vào các yếu tố như: mùa mưa thì sẽ tăng lên, hay như các đợt tích nước vào hồ chứa cũng sẽ làm tăng động đất xảy ra…
Do đó, để chủ động ứng phó, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương- chuyên gia cao cấp Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần khuyến cáo: ""Đối với chính quyền địa phương phải có các kịch bản ứng phó với động đất kích thích. Chẳng hạn như kịch bản khi bị vỡ đập… có các khu để sơ tán dân… Thứ hai với người dân, khi chúng ta biết bản chất của động đất thì chúng ta sẽ bình tĩnh khi có các hiện tượng đó và nên sơ tán về những vùng có độ cao nhất định, càng cao càng tốt, những vùng trống… về cơ bản mỗi địa phương phải có kịch bản ứng phó cụ thể, phù hợp với từng địa phương"."
Từ đầu năm đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã ghi nhận hơn 170 trận động đất. Còn trong năm ngoái là 312 trận.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết, hiện cơ quan này vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các trận động đất xảy ra tại Kon Plông, tỉnh Kon Tum.