Đời sống

Liên tiếp ghi nhận trường hợp bị bắt nạt học đường

(VOVTV) - Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về chủ đề bắt nạt học đường vào chiều nay tại Hà Nội, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 trường hợp có dấu hiệu lo âu, trầm cảm đến khám và điều trị do bị bắt nạt học đường.

Tác giả Văn Hải/VOV1
22/05/2023 18:25

Sau cái chết của một học sinh tự tử nghi do bị bắt nạt học đường, gần đây lại xuất hiện thông tin “nữ sinh lớp 8 ở Ứng Hoà, Hà Nội bị đánh hội đồng, bạn can  ngăn cũng bị đánh theo” một lần nữa báo động về tình trạng này. 

Liên tiếp ghi nhận trường hợp bị bắt nạt học đường - Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 trường hợp có dấu hiệu lo âu, trầm cảm đến khám và điều trị do bị bắt nạt học đường

Tại Việt Nam chưa có số liệu trực tiếp về tình trạng bắt nạt học đường nhưng qua thông tin từ các phương tiện truyền thông và các trường hợp đến khám tại Viện Sức khoẻ tâm thần cho thấy, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ bắt nạt học đường. Theo thạc sĩ, bác sĩ Lương Công Thiện, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), những cá nhân từng bị bắt nạt có mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn. 

Thực tế cho thấy đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra khi nhà trường và gia đình bỏ qua hoặc chưa giải quyết triệt để những điều mà trẻ em bị bắt nạt nói ra. 

Liên tiếp ghi nhận trường hợp bị bắt nạt học đường - Ảnh 2.

Thạc sĩ, bác sĩ Lương Công Thiện, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

“Thông thường cha mẹ, thầy cô bận công việc, coi trẻ em đánh nhau là chuyện bình thường có thể diễn ra hàng ngày. Từ đó đã bỏ qua những thông tin và chưa quan tâm đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Trẻ em ít khi nói dối, do vậy hãy tiếp cận thông tin để xử lý, không được thờ ơ. Cần phải đánh giá thông tin, về thực trạng, các biểu hiện kèm theo và nguyên nhân. Những người có trách nhiệm xử lý cũng phải vào cuộc sớm và có tinh thần trách nhiệm cao…,” thạc sĩ, bác sĩ Lương Công Thiện nói.

Theo các chuyên gia, đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt thường đe doạ, nếu học sinh bị bắt nạt nói cho cha mẹ, thầy cô giáo biết thì sẽ bị trừng phạt nhiều hơn. Trong khi đó, những học sinh bị bắt nạt thường có sức khỏe yếu hơn, không dám phản kháng, sợ nói ra sự thật sẽ bị đánh giá là thấp kém và chưa có các kỹ năng xử lý tình huống… 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hải Yến, Viện Sức khoẻ tâm thần lưu ý, gia đình quan tâm đến những dấu hiệu có thể xuất hiện khi trẻ bị bắt nạt học đường: “Trẻ thường có biểu hiện thay đổi về cảm xúc buồn chán thất vọng không rõ nguyên nhân, đôi khi tức giận, căng thẳng nhất là sau giờ học hoặc khi tham gia các hoạt động với bạn bè. Thường xuyên than phiền về tình trạng ốm yếu, đâu đầu, đau ngực, xuất hiện những chấn thương không rõ nguyên nhân. Trẻ cũng có thể có những biểu hiện chán ăn hoặc ăn rất nhiều do stress làm thay đổi hành vi ăn uống. Trẻ có thể gặp khó khăn về giấc ngủ, ngủ chập chờn, gặp ác mộng, học tập giảm sút, có biểu hiện không muốn đến trường, mất đồ đạc, đồ đạc hay hư hỏng, tự cho mình là người không tốt, không giải quyết được các vấn đề.” 

Liên tiếp ghi nhận trường hợp bị bắt nạt học đường - Ảnh 3.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hải Yến, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Các bác sĩ cũng đưa ra những dạng bắt nạt thường gặp gồm bắt nạt thể chất, bắt nạt bằng lời nói, bắt nạt bằng quan hệ xã hội, bắt nạt qua mạng, bắt nạt tình dục và bắt nạt tập thể./.

Ý kiến của bạn