LHQ bác đề xuất bỏ phiếu kín của Nga về nghị quyết sáp nhập 4 vùng của Ukraine
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 10/10 đã công khai bác bỏ lời kêu gọi của Nga về việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu kín vào cuối tuần này, liên quan đến động thái Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ gồm: nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Kherson và Zaporizhzhia.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định, với 107 phiếu thuận, cơ quan này sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai chứ không phải một cuộc bỏ phiếu kín về dự thảo nghị quyết, theo đó chỉ trích "các cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp" của Nga cũng như "nỗ lực sáp nhập bất hợp pháp" này. Các nhà ngoại giao cho biết cuộc bỏ phiếu về nghị quyết trên sẽ diễn ra ngày 12 hoặc 13/10.
13 quốc gia phản đối việc tổ chức bỏ phiếu công khai về dự thảo nghị quyết trên trong khi 39 quốc gia khác bỏ phiếu trống và những quốc gia còn lại, trong đó có Nga và Trung Quốc, không bỏ phiếu.
Nga cho rằng các nỗ lực vận động hành lang của phương Tây đồng nghĩa với việc "sẽ rất khó khăn nếu các quan điểm được thể hiện công khai". Trong cuộc họp ngày 10/10, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã đặt câu hỏi về động cơ thúc đẩy việc chỉ trích Moscow.
"Điều này có liên hệ gì với hòa bình và an ninh cũng như có ý nghĩa gì với nỗ lực giải quyết xung đột?", ông Nebenzia cho hay, đồng thời gọi đó là "một động thái gia tăng chia rẽ, leo thang căng thăng và tôi chắc chắn đó không phải là điều mà đa số quốc gia trong căn phòng này cần".
Sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai về dự thảo nghị quyết, Nga đã đề nghị tổ chức này cân nhắc lại vấn đề trên song không thành công.
Trước đó, sau các cuộc trưng cầu ý dân, Nga đã tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Ukraine và các nước phương Tây chỉ trích đây là những cuộc bỏ phiếu "bất hợp pháp và cưỡng ép".
Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia không công nhận động thái trên của Nga và tái khẳng định sự thống nhất lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã chỉ trích phiên họp đặc biệt trên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông Nebenzya cho rằng Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Csaba Korosi đã thực hiện chính sách tiêu chuẩn kép liên quan đến dự thảo nghị quyết trên.
Tin nổi bật
Tin Video