Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU có thể mang lại lợi ích cho Nga
Lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga dự kiến sẽ làm tăng giá dầu hơn nữa và tăng doanh thu từ dầu của Moscow.
Theo Norbert Rucker, người đứng đầu bộ phận kinh tế của nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ Julius Baer, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga sẽ chỉ làm doanh thu từ dầu mỏ của Moscow cao hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin 20 Minuten của Thụy Sĩ, ông Rucker cho biết, tác động của lệnh cấm đối với Nga là điều còn nhiều tranh cãi, đồng thời cho biết thêm rằng EU có thể có những lựa chọn thay thế tốt hơn để làm suy yếu Nga, chẳng hạn như trừng phạt bằng thuế quan.
Tuần trước, EU đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga đối với tất cả 27 quốc gia thành viên. Biện pháp trừng phạt này, được thiết lập để gây ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia của Nga, là một phần của các lệnh trừng phạt chưa từng có do phương Tây phát động nhằm vào Moscow để phản ứng trước chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.
“Chúng ta sẽ bảo đảm loại bỏ dần dầu mỏ Nga một cách có trật tự, theo một cách thức cho phép chúng ta và đối tác của chúng ta tìm được các tuyến cung cấp thay thế và giảm tối đa tác động lên thị trường toàn cầu”, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói.
Song, Chủ tịch EC thừa nhận rằng việc có được sự đồng thuận từ cả 27 nước thành viên EU về các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga là điều không hề dễ dàng.
“Câu hỏi lớn hiện nay là liệu phương Tây có đang gây áp lực lên Trung Quốc và Ấn Độ hay không, nếu thế thì lệnh cấm vận sẽ có tác động lớn hơn rất nhiều”, chuyên gia Rucker nói và lưu ý rằng bước đi như vậy sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng mua dầu thô trên thế giới.
Ông Rucker cho rằng lệnh cấm vận dự kiến sẽ làm tăng giá dầu thô toàn cầu, vốn đã tăng vọt lên 120 USD/thùng trong tháng 3, giúp Nga tăng doanh thu từ việc bán dầu mỏ.
“Lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến Thụy Sĩ”, nhà phân tích Rucker nói, đồng thời cho biết thêm nước này lấy phần lớn dầu từ các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vốn đã được hỗ trợ chuyển sang các lựa chọn thay thế.
“Tuy nhiên, hậu quả của việc giá dầu tăng do lệnh cấm vận cũng sẽ được cảm nhận ở Thụy Sĩ”, ông Rucker nói thêm.
Ngày 8/5, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga trong nỗ lực nhằm gây sức ép kinh tế với Moscow.
Tuy nhiên, tuyên bố chung của G7 (gồm Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) không nêu cụ thể cam kết của mỗi nước để tiến tới mục tiêu loại bỏ phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Tin nổi bật
Tin Video