Lấy ý kiến góp ý sách giáo khoa: Muốn thành công cần cải thiện dân chủ trong trường học
Lấy ý kiến góp ý sách giáo khoa: Muốn thành công cần cải thiện dân chủ trong trường học
Có nên trao hết niềm tin vào hội đồng thẩm định?
Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy.
Tất cả các quyển sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường.
Vừa qua, sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều bị dư luận cho rằng có nhiều “sạn”, nhiều từ ngữ, bài viết nội dung không phù hợp với học sinh lớp 1.
Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định và tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều đã trân trọng tiếp thu và tiến hành điều chỉnh nhiều nội dung từ các ý kiến phản biện.
Tới đây, để tiếp tục ghi nhận các thông tin phản ánh về triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng các kênh đóng góp ý kiến để nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân.
Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát tất cả các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới.
Thông tin, Bộ GD&ĐT mở rộng lấy ý kiến về sách giáo khoa và chỉ đạo rà soát tất cả các bộ sách giáo khoa lớp 1 đã nhận được nhiều sự đồng tình từ dư luận.
Bởi hiện có nhiều ý kiến chỉ ra nhiều sai sót trong sách giáo khoa không chỉ có ở bộ sách Cánh Diều mà còn tồn tại ở nhiều bộ sách khác.
Có nhiều nội dung sách được cho là sai hoặc chưa phù hợp với trẻ em lớp 1. Theo ông Trần Nhân Hoàn ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thì việc rà soát tổng thể các sách giáo khoa lớp 1 là cần thiết. Điều này chỉ có tốt chứ không làm giảm chất lượng sách giáo khoa.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần thu hút được nhiều ý kiến phản biện từ các nhà chuyên môn để làm sao có được nhiều bộ sách hay. Chứ không nên phụ thuộc vào các hội đồng thẩm định sách giáo khoa.
Bên cạnh những ý kiến tán đồng về việc ra soát thì nhiều câu hỏi đặt ra lúc này là ai rà soát và rà soát như thế nào cho đúng?
Rà soát sách giáo khoa cũng cần có quan điểm rõ ràng và cần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ. Đặc biệt “siết” vai trò, trách nhiệm của hội đồng thẩm định sách giáo khoa trong việc rà soát nội dung tránh tình trạng làm việc hình thức, qua nhiều khâu nhưng vẫn còn nhiều“sạn”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đỗ ở Hà Tĩnh thì cho rằng, khi rà soát lại sách thì ngoài tìm các“sạn”- tức là những từ, câu chuyện không phù hợp thì cũng cần thiết hạn chế việc đưa vào sách giáo khoa lớp 1 các từ trừu tượng như các từ: “y bạ”, “ngụ ý” “ý tứ”… hay các câu chuyện đa nghĩa mà chỉ những người có học vấn, vốn sống mới hiểu được thấu đáo.
“Trước đây nhiều người hay nói Chương trình 2000 nặng tính hàn lâm, lý thuyết nhưng ở lớp 1 đã dạy một cách trừu tượng, đa nghĩa là không phù hợp. Theo tôi học trừu tượng còn khó hơn học hàn lâm” – thầy Đỗ nêu quan điểm.
Một trong vấn đề quan tâm hiện nay làm sao việc rà soát nội dung sách giáo khoa lớp 1 mang lại hiệu quả tích cực, tránh bệnh hình thức đối phó.
Trước vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng của Bộ GD&ĐT.
Ông Nhĩ cho rằng, việc thực hiện rà soát cả 5 bộ sách là chủ trương đúng. Còn rà soát như thế nào để không hình thức và tránh được thiếu sót là vấn đề cần quan tâm lúc này.
“Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lập ra để “gác cổng”, xem xét nhưng giờ vẫn để sai sót thì cần mở rộng lấy ý kiến đông đảo của giáo viên, nhất là những giáo viên đang giảng dạy.
Hiện nay có thuận lợi là công tác giảng dạy đã được thực hiện một tháng nên giáo viên sẽ nắm được ưu, nhược của sách.
Từ đó sẽ có những đóng góp ý kiến có giá trị. Hội đồng thẩm định sách giáo khoa nên lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên để tập hợp lại.
Mười đôi mắt không thể bằng một trăm, một nghìn đôi mắt. Từ các ý kiến tập hợp lại sẽ trao đổi, cân nhắc với các tác giả để sửa chữa hợp lý” - ông Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.
Lấy ý kiến cần tránh hình thức, tốn kém
Ý tưởng lấy ý kiến giáo viên là một ý tưởng hay tuy nhiên thực tế đa số các giáo viên ngại nói ra những điều họ suy nghĩ , đặc biệt là những ý kiến mang tính phản biện.
Theo cô Nguyễn Hoài Thu ở Thái Nguyên, nếu giáo viên không được động viên, khuyến khích thì sẽ có ít người tham gia góp ý, phản biện sách giáo khoa.
Trong các câu chuyện liên quan đến “sạn” trong sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều vừa qua có thể thấy tiếng nói của lực lượng giáo viên trực tiếp giảng dạy là yếu ớt.
Thậm chí, đến khi các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội lên tiếng mạnh mẽ, chỉ ra nhiều vấn đề bất cập thì phần đa thầy cô vẫn chọn cách im lặng.
Có thực tế nhiều lỗi trong sách giáo khoa trước đây mặc nhiên tồn tại cả 1 “đời sách”, chỉ đến khi chuẩn bị “hết đời” thì mới có người nêu ra. Những “sạn, rác” đó giáo viên có biết nhưng họ lại không chịu nêu ý kiến. “Vào mỗi giờ ra chơi, các giáo viên trò chuyện về sách giáo khoa mới chẳng khác nào các câu chuyện trào phúng, tiếu lâm. Chỉ tiếc là lãnh đạo cấp trên không nghe được những tiếng nói thực tâm từ cơ sở như vậy” – cô Nguyễn Hoài Thu cho biết.
Việc trong các cuộc tranh luận, phản biện về chất lượng sách giáo khoa hiện nay có ít sự góp mặt của những nhà giáo đang giảng dạy trong hệ thống các trường công lập là vấn đề đáng lo ngại.
Trong khi thầy cô đáng lẽ phải là những người am tường nhất và là những người nói lên tiếng đầu tiên.
Trước vấn đề đó, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Bộ GD&ĐT tạo cần phải có công văn yêu cầu các thầy cô giáo góp ý thẳng thắn về nội dung của các bộ sách.
Hiện có nhiều giáo viên đã từng dạy nhiều cuốn sách của nhiều chương trình. Vì thế sẽ có góc nhìn so sánh thấu đáo.
Phải động viên được đội ngũ thầy cô giáo tham gia phản biện thì mới hy vọng có được bộ sách đạt yêu cầu. Vì thế lúc này cần thiết động viên đội ngũ nhà giáo tham gia góp ý nội dung của sách giáo khoa.
Ngoài ra ông Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, việc xem xét lại nội dung toàn bộ sách giáo khoa lớp 1 đòi hỏi các lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các vụ, cục trong bộ tham gia.
Càng nhiều ý kiến đóng góp sẽ cung cấp nhiều góc nhìn đó là nguồn tư liệu quý để giúp cho các tác giả viết sách tham khảo.
Liên quan đến các bộ sách giáo khoa đang được thẩm định, Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Hội đồng thẩm định nên xem xét cẩn trọng, sau đó cần lấy ý kiến của lực lượng giáo viên một cách rộng rãi.
Đúng ra sách giáo khoa phải được thực nghiệm một năm để tổng kết sau đó mới đưa vào dạy đại trà nhưng “bây giờ đã nhảy lên ngựa rồi, lớp một tiến hành rồi thì phải tiến hành lớp 2 nên cần thiết phải thêm khâu lấy ý kiến rộng rãi để tránh sai sót”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo NB&CL, bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, chủ trương xem xét lại, rà soát lại toàn bộ sách giáo khoa lớp 1 là cần thiết.
Tuy nhiên theo bà cũng cần xem lại trách nhiệm của Hội đồng thẩm định định sách giáo khoa. Chủ trương rà soát lại là đúng nhưng rà soát sao để tránh lãng phí cũng cần thiết phải được nghiên cứu.
Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy việc rà soát lại nội dung của các bộ sách giáo khoa lớp 1 và lấy ý kiến rộng rãi về nội dung của các bộ sách giáo khoa trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ký quyết định cho lưu hành là vấn đề cần thiết.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng các ý kiến đóng góp thì cần có cơ chế để thu hút lực lượng đông đảo giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tham gia góp ý.
Tin nổi bật
Tin Video