Lao động ở khu công nghiệp, chế xuất quận 7, Củ Chi được đi làm lại
Tại khu chế xuất Tân Thuận và khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, người lao động có thẻ xanh, thẻ vàng được đi làm trở lại từ ngày 16/9.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) vừa có văn bản xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc khu giai đoạn từ 16-30/9.
Theo đó, các doanh nghiệp tại khu chế xuất - khu công nghiệp nằm trong các địa phương kiểm soát được dịch an toàn là quận 7 và huyện Củ Chi sẽ được thí điểm lựa chọn phương thức hoạt động.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được lựa chọn một 3 phương thức sản xuất.
"Để được hoạt động theo các phương thức này, doanh nghiệp phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo các hướng dẫn của ngành y tế. Tỷ lệ người lao động làm việc tại doanh nghiệp không quá 50% tổng số. Doanh nghiệp đạt các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 do UBND TP.HCM ban hành", lãnh đạo Hepza nêu rõ.
Ngoài các yêu cầu trên, với mỗi phương thức sẽ có thêm yêu cầu cụ thể. Đối với phương thức sản xuất "4 xanh" (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh), người lao động được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa nơi làm việc và nơi ở theo một cung đường.
"Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động có thẻ xanh Covid-19 làm việc và cư trú tại các địa bàn thuộc vùng xanh của quận 7. Đồng thời không phát sinh các ca nhiễm trong 7 ngày gần nhất", Ban quản lý yêu cầu.
Đối với phương thức vừa sản xuất vừa cách ly (3 tại chỗ, 1 cung đường - 2 địa điểm, 1 cung đường - 2 địa điểm mở rộng), doanh nghiệp chỉ sử dụng người lao động có Thẻ xanh/Thẻ vàng Covid-19 hoặc đã tiêm mũi 1 chưa đủ 14 ngày nhưng đang làm việc theo phương thức "3 tại chỗ".
Đối với phương thức kết hợp "4 xanh" và "3 tại chỗ", doanh nghiệp có thể lựa chọn cả 2 phương thức sản xuất nêu trên phù hợp nhu cầu, kế hoạch hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khi đảm bảo đủ điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.
Tại huyện Củ Chi, đối với các doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, từ ngày 16-23/9 được lựa chọn 1 trong 2 phương thức là "4 xanh" hoặc "3 tại chỗ".
Các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" vẫn tiếp tục hoạt động. Từ ngày 23-30/9, Hepza sẽ xem xét đánh giá để áp dụng kéo dài thí điểm trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và diễn biến dịch bệnh.
Tại Khu công nghiệp Đông Nam, Khu công nghiệp cơ khí ôtô, Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), doanh nghiệp tiếp tục thực hiện "3 tại chỗ" đến 23/9. Sau đó, Hepza cũng sẽ xem xét đánh giá để áp dụng kéo dài thí điểm.
Đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp còn lại trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp vẫn tổ chức hoạt động theo "3 tại chỗ". "Ban quản lý sẽ phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành thẩm định mức độ an toàn phòng chống dịch tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động sau khi có kết quả thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước", lãnh đạo Hepza yêu cầu.
Tính đến ngày 15/9, có 637 doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp tổ chức sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" với 53.254 người lao động.
Tổng số người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã được tiêm mũi 1 là 267.990 người; mũi 2 là 93.604 trên tổng số 288.161 người.
Tổng số ca nhiễm tại các doanh nghiệp thuộc khu là 4.972 ca, số F0 đang điều trị là 353 người.
Tin nổi bật
Tin Video