Lào Cai không dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào
(VOVTV) - Cây đào rất khó tồn tại ở trong rừng bởi không cạnh tranh được với các cây rừng vốn dĩ có thể vươn cao tới vài chục mét.
Khẳng định trước báo chí tại Hội nghị thông tin kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai sẽ không tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào.
Một lần nữa khẳng định Lào Cai không có đào rừng
Theo ông Duy, trước đó đại diện ngành nông nghiệp Lào Cai đã trả lời báo chí về việc Lào Cai không có đào rừng. Khái niệm “đào rừng” là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi; còn đồng bào vùng cao vốn dĩ sống gắn bó với núi rừng thì không gọi như vậy.
“Chúng tôi đã kiểm chứng rất kĩ, Lào Cai chỉ có đào trồng ở vườn nhà thôi. Bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng”, ông Duy nhấn mạnh.
Chính vì Lào Cai không có đào rừng nên ông Duy cho rằng không cần truy xuất. Dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ liên quan đến các thủ tục hồ sơ phức tạp. Trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần, nếu bây giờ triển khai việc này e rằng không kịp.
Cây đào có tồn tại trong rừng không?
Qua tìm hiểu của phóng viên VOV, những cán bộ kiểm lâm có thâm niên ở địa phương cho rằng, với đặc tính ưa sáng, tán rộng và thấp, cây đào rất khó tồn tại ở trong rừng bởi không cạnh tranh được với các cây rừng vốn dĩ có thể vươn cao tới vài chục mét.
“Bản thân quả và hột đào có đường kính, trọng lượng lớn nên cũng khó để chim chóc, thú rừng tha đi xa ăn, hay tác động bởi gió thổi có thể giúp phát tán hạt giống như các loại cây rừng khác, mà muốn nhân rộng thường phải có bàn tay con người”, một cán bộ kiểm lâm phân tích.
“Họa hoằn có cây đào mọc trong rừng khả năng do người đi rừng mang đào lên ăn và nhả hạt tại đó. Nếu có như vậy thì cây cũng khó phát triển tốt được”, vị cán bộ kiểm lâm bổ sung.
Cũng theo vị này, đào vùng cao do tác động của sương mù ẩm ướt nên địa y phát triển, tạo vẻ rêu mốc, cổ kính; đào lớn nhanh, chỉ 4 – 5 năm là bắt đầu cho khai thác, thực chất tuổi thọ của cây đào không cao, trung bình chỉ 20 – 25 năm; lớp địa y bám bên ngoài thân vỏ hút chất dinh dưỡng còn khiến tuổi thọ của đào giảm theo.
Đào người dân trồng vẫn được chặt bán bình thường
Phát biểu khép lại Hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai – ông Đỗ Văn Duy nhấn mạnh: “Quan trọng nhất bây giờ là làm thế nào để người dân có sản phẩm vẫn tiêu thụ được, không bị các lực lượng chức năng can thiệp”.
Nói về việc dán tem, một cán bộ kiểm lâm khác ở Lào Cai cho hay, nếu có thể dán tem khẳng định thương hiệu sẽ tốt hơn, giúp chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm. Còn dán tem chỉ để truy xuất nguồn gốc nhằm phân biệt đào rừng, đào nhà thì không cần thiết, vì vô hình trung tạo ra sự so sánh giữa đào có dán tem và đào không dán tem; chưa kể thậm chí có thể phát sinh nhiêu khê, tiêu cực.
“Riêng kiểm lâm Lào Cai quan điểm sẽ không xử lý; đồng thời tạo điều kiện cho bà con trồng, khai thác đào; vốn dĩ xưa nay cây đào cũng chưa từng được đưa vào danh mục cây lâm nghiệp và không trong danh sách phải bảo vệ”, vị kiểm lâm cho biết thêm.
Trước đó, các ý kiến từ Văn phòng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định việc người dân trồng đào để phát triển kinh tế luôn được khuyến khích và không cấm khai thác./.
Tin nổi bật
Tin Video