Lào Cai: Khẩn trương khoanh vùng dịch viêm da nổi cục trên bò
(VOVTV) - Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đang khẩn trương khoanh vùng ổ dịch viêm da nổi cục trên bò vừa mới bùng phát ở thị xã Sa Pa, tránh không để lan rộng ra xung quanh.
Trước đó, ngày 13/4, sau khi ghi nhận một nông hộ ở thôn Bản Pho, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa có bò xuất hiện triệu chứng viêm da nổi cục, cơ quan chuyên môn địa phương đã lập tức xác minh, lấy mẫu xét nghiệm.
Tới ngày 15/4, sau khi cho kết quả xét nghiệm dương tính, chính quyền Sa Pa đã lập tức ban hành quyết định công bố dịch, tiến hành tiêu hủy số bò bị bệnh, đồng thời khoanh vùng, tiêu độc khử trùng ổ dịch, cùng các vùng lân cận có nguy cơ lây lan. Đến nay, đã có 2 con bò xác định mắc bệnh phải tiêu hủy.
Khu vực phát hiện bò mắc bệnh nằm tại bãi chăn thả chung của các hộ dân thuộc thôn Bản Sái và Bản Pho, trong đó có 31 con bò của 10 hộ dân. Hiện chưa xác định nguyên nhân mầm bệnh phát sinh.
Theo ông Phạm Văn Quảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, có khả năng mầm bệnh phát sinh từ giống bò vận chuyển từ nơi khác về, vì nhìn hình thái con bò mắc bệnh khác với bò bản địa.
Trước mắt, lực lượng chức năng một mặt tập trung khoanh vùng, dập dịch, một mặt tổ chức các hội nghị lồng ghép tập huấn, tuyên truyền kiến thức và cách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cho các địa phương.
Bệnh viêm da nổi cục trên bò do virus gây ra và có vaccine phòng bệnh. Vaccine này có giá khoảng 35.000 đồng một mũi chưa kể công tiêm, công vận chuyển và bảo quản, nếu tiêm cho cả đàn bò đối với nhiều hộ chăn nuôi là một số tiền không nhỏ.
Trước mắt, thị xã Sa Pa là địa phương công bố dịch đã quyết định trích ngân sách mua 10.000 liều vaccine, đủ để tiêm 80% đàn trâu bò trong diện phải tiêm của thị xã.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cũng tham mưu cho UBND tỉnh phương án hỗ trợ vaccine cho những hộ chăn nuôi ở địa bàn các huyện nghèo.
Theo nhận định của ngành thú y địa phương, trong thời gian tới, thời tiết chuyển mùa càng tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ lây lan diện rộng rất cao.