Lào Cai chỉ đạo nóng vụ sạt lở, đứt gãy đường ở Sa Pa
(VOVTV) - Vụ sạt lở tại Sa Pa khiến nhiều hộ bị cô lập, 8 cơ sở lưu trú lớn nhỏ, tổng cộng khoảng 200 phòng nghỉ bị mất cơ hội kinh doanh. Kể từ trưa ngày 20/3 đến nay, hiện tượng sạt lở vẫn tiếp tục xuất hiện.
Chiều 21/3, ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo nóng việc khắc phục sự cố sạt lở, làm đứt gãy tuyến đường Hoàng Liên (thuộc địa phận thị xã Sa Pa, Lào Cai), ảnh hưởng diện rộng ra xung quanh.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, sự cố xảy ra tại vị trí đang thi công trên khu đất do ông Trịnh Quang Hưng làm chủ sở hữu, lúc thời tiết không có mưa.
Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 35 – 40m (kéo từ mặt đường Hoàng Liên, đoạn giáp ranh 2 phường Sa Pa và Phan Si Păng xuống taluy âm phía dưới), đe dọa sự an toàn của cả 4 xung quanh – nơi có cả hộ dân, khách sạn, bản du lịch Cát Cát, tuyến đường Phan Si Păng, đường ray tàu hỏa leo núi Mường Hoa…
Kể từ trưa ngày 20/3 đến nay, hiện tượng sạt lở vẫn tiếp tục xuất hiện. Đáng lo lắng hơn khi dự báo các đợt không khí lạnh kèm theo mưa sẽ liên tiếp xuất hiện trong những ngày tới.
“Đây là sự cố phức tạp, liên quan đến công trình xây dựng, vượt quá khả năng chuyên môn của thị xã”, ông Quốc cho biết.
Về phía chính quyền địa phương, ngay sau khi nắm bắt thông tin, thị xã đã tổ chức khoanh vùng, cảnh báo, cắt điện nước tạm thời tại các khu vực xung quanh vị trí sạt lở…
Trên tinh thần bảo đảm an toàn cho người dân phải đặt lên hàng đầu, ông Nguyễn Trọng Hài đề nghị chính quyền thị xã Sa Pa khẩn trương có mặt thăm hỏi, động viên, vận động các hộ xung quanh di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đơn vị tư vấn, ông Hài chỉ đạo trước mắt cần khẩn trương cắt, dẫn hướng các nguồn nước mặt, nước thải, nước ngầm chảy xuyên qua cung sạt; đồng thời, gia cố phần chân taluy bằng rọ đá hoặc vật liệu thay thế, tránh sạt lở lan rộng. Kinh phí do chính quyền địa phương tạm ứng để xử lý, còn sau này sẽ quy trách nhiệm cho chủ đầu tư (tức chủ đất có tên Trịnh Quang Hưng).
Đối với ngôi nhà đá 3 tầng nằm ngay trước mặt hố sạt (chủ hộ tên Tuyền) đã bị sập một phần dầm móng, nguy cơ sụp đổ xuống dưới, kéo theo mất an toàn cả dãy nhà phía trên, ông Hài yêu cầu UBND thị xã Sa Pa khẩn trương cùng chủ đất thương lượng, hướng đến việc phá dỡ (vì lâu nay ngôi nhà vẫn bỏ không) để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hiệu quả khắc phục.
Do phương án làm cầu tạm thay thế đoạn đường bị đứt gãy không khả thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị chính quyền thị xã tìm kiếm lối đi tạm cho người dân; tuyệt đối không được để ai mạo hiểm vượt tắt ngang qua cung sạt. Phía chủ đất cũng phải nhanh chóng thuê đơn vị tư vấn để kiên cố hóa vị trí bị sạt lở, hoàn thành trước mùa cao điểm mưa lũ.
Nguyên nhân gây ra sự cố, ông Hài cho biết sẽ giao Chi cục Giám định của Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng tỉnh đánh giá cụ thể để báo cáo UBND tỉnh.
Phía đại diện chủ đất cũng nêu ý kiến sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất. Đối với các hộ bị ảnh hưởng sẽ tiến hành thương thảo để có phương án bồi thường cho các hộ có đầy đủ giấy tờ liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng; các hộ không có đầy đủ các giấy tờ trên, nếu có chỉ hỗ trợ một phần.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường Hoàng Liên bị đứt gãy, khiến toàn bộ khu vực phía trong (lối dẫn vào Viettrekking) bị cô lập, các phương tiện không thể qua lại. Hiện nay, người dân muốn ra ngoài mua sắm nhu yếu phẩm, học sinh đi học buộc phải đi bộ nhờ qua các khách sạn để vào thị trấn bằng đường vòng.
Toàn bộ hệ thống nước sạch, đường điện qua trạm biến áp dùng cho các cơ sở lưu trú khu vực này vẫn bị cắt đứt.
Sạt lở cũng khiến 8 cơ sở lưu trú lớn nhỏ, tổng cộng khoảng 200 phòng nghỉ bị mất cơ hội kinh doanh./.