Lãnh đạo Ukraine - Đức thảo luận gia tăng trừng phạt Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
"Hôm nay, tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cách tăng cường các lệnh trừng phạt chống lại Nga và cách thuyết phục Nga tìm kiếm hòa bình", ông Zelensky nói trong video đăng tải tối 10/4.
Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định ông vui mừng vì quan điểm của Đức đang thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine.
"Tôi coi điều này là hoàn toàn hợp lý vì đa số người Đức ủng hộ chính sách này. Tôi hy vọng mọi thứ chúng tôi tán thành sẽ được thực thi", ông nói thêm.
Trong thông cáo về cuộc họp, văn phòng của Tổng thống Đức không đề cập tới các thảo luận của 2 nhà lãnh đạo về lệnh trừng phạt, mà cho biết ông Zelenskiy đã thông báo với ông Scholz về “tình hình hiện tại và các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga”.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Kiev kêu gọi cấm vận đối với khí đốt và dầu nhập khẩu từ Moskva. Đức từng tỏ ra lưỡng lự về đề xuất này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz cuối tuần trước khẳng định Đức có thể dừng nhập khẩu dầu từ Nga ngay năm nay trong bối cảnh Berlin đang nỗ lực để thoát phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ xứ sở bạch dương.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Chúng tôi tin rằng có khả năng đạt được điều đó trong năm nay”, ông Scholz nói trong cuộc họp báo ở London cùng người đồng cấp Anh Boris Johnson hôm 8/4.
Dầu của Nga hiện chiếm 25% nhập khẩu của Đức, giảm từ 35% so với trước khi Nga đưa quân vào Ukraine. Nhập khẩu khí đốt cũng giảm từ 55% xuống 40%, nhập khẩu than giảm từ 50% xuống còn 25%.
Ngoài việc thay đổi quan điểm về cắt giảm nguồn cung năng lượng từ Nga, Đức cũng đổi ý về việc cung cấp vũ khí hỗ trợ Kiev.
Berlin ban đầu từ chối giao vũ khí cho Ukraine vì lo ngại động thái động thái này có thể đẩy căng thẳng gia tăng và khiến các cuộc đàm phán thêm phần khó khăn. Berlin lâu nay cũng duy trì chính sách không xuất khẩu vũ khí tới các vùng chiến sự vì lý do lịch sử cũng như chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, tới cuối tháng 2, Đức tuyên bố sẽ chuyển hàng nghìn vũ khí chống tăng, tên lửa đất đối không và hàng trăm bệ phóng tên lửa cho Ukraine.
Tin nổi bật
Tin Video