Lãnh đạo thành phố Cần Thơ lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp
VOV.VN - Chiều nay (14/10), Cần Thơ tổ chức Toạ đàm “Đối thoại giữa Chính quyền và Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.
Đây là hoạt động thường niên, là dịp để lãnh đạo Cần Thơ lắng nghe những đề xuất, kiến nghị và xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp nêu nhiều kiến nghị, mong muốn như: Hỗ trợ vốn với chính sách ưu đãi, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đơn vị tham gia bình ổn giá, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống thiên tai - dịch bệnh; Giảm thuế Giá trị gia tăng và giãn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất lần 2; Giảm giá điện đến hết năm 2020; VCCI Cần Thơ giải quyết việc cấp chứng chỉ hàng hóa (CO) nhanh hơn.
Đặc biệt, hiện nay, Tân Cảng Thốt Nốt đã nhận được tàu quốc tế đến cảng, đề nghị có Chi nhánh văn phòng hải quan tại Cảng Thốt Nốt, nếu không doanh nghiệp sẽ chuyển sang sử dụng Cảng Mỹ Thới của An Giang sẽ gây thất thu cho thành phố…
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trước buổi đối thoại này, thành phố đã có buổi gặp gỡ giữa Chính quyền và Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sau đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 75 vào ngày 9/7 về Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn năm 2020, trong đó giao 22 nội dung công việc cụ thể cho các sở, ban, ngành.
“Qua mỗi buổi đối thoại, chúng tôi tiếp nhận thêm những thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp, để từ đó chúng tôi có thêm nhiều biện pháp tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Dương Tấn Hiển cho hay.
“Có những cái cụ thể từng doanh nghiệp vướng ở đơn vị này, ở Sở kia một vấn đề gì đó thì chúng tôi chỉ đạo tháo gỡ. Có những cái thuộc về cơ chế chính sách, chúng tôi cũng tập hợp, gửi về kiến nghị với Trung ương, các Bộ ngành Trung ương gửi về cho Chính phủ. Có những cái người ta kiến nghị sửa đổi Luật thì chúng tôi cũng kiến nghị với đoàn đại biểu quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ; đồng thời gửi báo cáo về cho Quốc hội để xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Luật để làm sao mà cho các cơ chế chính sách, quy định Pháp luật của mình phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt là quý IV năm 2020”.
Trong 9 tháng qua, thành phố Cần Thơ có thêm 1.155 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký 9.015 tỷ đồng, đạt bình quân 5,8 tỷ/doanh nghiệp, nâng tổng số lũy kế doanh nghiệp trên địa bàn là 9.116 doanh nghiệp và gần 2.000 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, vốn đăng ký trên 80.000 tỷ đồng./.
Tin nổi bật
Tin Video