Văn hóa - Du lịch

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống

(VOVTV) - Nằm bên dòng Sa Giang hiền hoà, thơ mộng, giữa trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trù phú, làng hoa Sa Đéc đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, từ những người nông dân đầu tiên đưa hoa về trồng, cho đến những nghệ nhân cần cù, chịu thương, chịu khó đã đưa làng hoa Sa Đéc vươn ra biển lớn như ngày nay.

Tác giả Phạm Hải/VOV ĐBSCL
11/02/2024 07:59

Được mệnh danh là làng hoa lớn nhất miền Tây, làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với truyền thống trên 100 năm đã khẳng định thương hiệu và vang danh cả nước. Từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, tinh tế, các nghệ nhân ở làng hoa Sa Đéc đã không ngừng sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm tạo nên muôn vàn loại hoa kiểng rực rỡ sắc màu, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Niềm vui, niềm hạnh phúc của các nhà vườn khi hàng ngàn giống hoa kiểng đã nối đuôi nhau đi các tỉnh, thành trong nước và xa hơn là hành trình vươn ra thị trường quốc tế, tô thắm thêm hình ảnh một Sa Đéc hiện đại, một Đồng Tháp - Thấm đậm tình đất, tình hoa. 

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 1.

Người và hoa ở Sa Đéc đã gắn bó, hòa quyện với nhau thấm đậm tình đất, tình người, tình hoa

Nằm bên dòng Sa Giang hiền hoà, thơ mộng, giữa trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trù phú, làng hoa Sa Đéc đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, từ những người nông dân đầu tiên đưa hoa về trồng, cho đến những nghệ nhân cần cù, chịu thương, chịu khó đã đưa làng hoa Sa Đéc vươn ra biển lớn như ngày nay.

Nhắc đến câu chuyện của những bậc tiền nhân đi trước, ông Trần Văn Tiếp- người có hơn bốn mươi năm kinh nghiệm trồng hoa ở Sa Đéc chia sẻ, các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, đặt nền móng cho làng hoa Sa Đéc. Những thế hệ khai mở cho làng nghề hoa kiểng lúc đầu chỉ trồng phục vụ cầu của gia đình, chưa có điều kiện mang hoa đi bán ở khắp nơi như bây giờ. Chính việc trồng hoa đã định hình, gầy dựng và có một vị trí nhất định trong đời sống, sinh hoạt của người dân Sa Đéc lúc bấy giờ. 

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 2.

Làng hoa Sa Đéc đang chuyển mình phát triển vượt bậc

Ông Tiếp nhớ lại, trước đây làng hoa nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền chở những giỏ hoa, chậu kiểng đi khắp nơi tiêu thụ. Những người trồng hoa kiểng ở Sa Đéc lúc bấy giờ xem hoa kiểng là kế sinh nhai cho vùng đất ven sông Tiền nặng phù sa, vun bồi cho cuộc sống của những người dân Sa Đéc và được mọi người tôn vinh là làm đẹp cho đời. Giờ đây, làng hoa lớn nhất miền Tây đang chuyển mình phát triển vượt bậc, những nghệ nhân, những nhà vườn đang nối tiếp truyền thống đó, đưa ra thị trường những giống hoa kiểng mới, lạ mắt để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xa hơn là thị trường quốc tế. 

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 3.

Làng hoa Sa Đéc với hàng ngàn giống hoa kiểng các loại

Mỗi nhà vườn có hướng đi của mình, nhưng đều chung một suy nghĩ là làm sao để làng hoa ngày một phát triển, tạo thêm những điểm nhấn đối với người tiêu dùng, du khách khi đến với Sa Đéc. Chính nỗi khát khao mạnh mẽ đã giúp tìm ra những cái mới và kết hợp cái cũ để tạo ra nét độc đáo riêng. Điều này đã giúp cho làng hoa ngày một phát triển và bắt kịp xu thế nhưng vẫn giữ được nét văn hoá, truyền thống của làng hoa nổi tiếng miền Tây. 

Mỗi dịp đến với Sa Đéc, điều dễ nhận thấy chính là cách trồng hoa trên giàn vẫn được các nhà vườn áp dụng. Nhiều nhà vườn nói vui rằng, muốn lưu giữ lại cách trồng hoa trên giàn nhằm "tri ân" các bậc tiền nhân đã có công gây dựng, tạo nền móng cho làng hoa được phát triển "rực rỡ" như ngày nay.  

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 4.

Ông chủ vườn Nguyễn Hữu Đức cảm nhận làng hoa đang đổi thay từng ngày

Rôm rả với câu chuyện về nghề trồng hoa kiểng nổi danh làng hoa hàng trăm tuổi lớn nhất miền Tây, ông chủ vườn Nguyễn Hữu Đức cảm nhận làng hoa đang đổi thay từng ngày, từng giờ nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống xưa kia. Mặc dù người dân tìm tòi, học hỏi những giống hoa mới để bắt kịp xu hướng thị trường nhưng vẫn không quên những loại hoa mà đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhiều nhà vườn vẫn trồng những giống hoa cúc, vạn thọ vừa để bán, vừa để trưng trong nhà những ngày lễ, tết với mục đích để nhớ các thế hệ đi trước đã khai mở, dẫn dắt, chăm chút và phát triển làng nghề. Người và hoa ở Sa Đéc đã gắn bó, hòa quyện với nhau thấm đậm "Tình đất - Tình hoa - Tình người", nhờ có hoa mà người dân đều có của ăn, của để, nhà cửa khang trang, sạch đẹp và sự hòa quyện đó vẫn đang được các thế hệ hôm nay tiếp bước để làng hoa mãi phát triển. 

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 5.

Nhiều hộ dân ở Sa Đéc đã mạnh dạn vừa trồng hoa, vừa kết hợp làm du lịch

Với người dân Sa Đéc, hoa kiểng đã giúp người dân có cuộc sống ấm no, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vừa trồng hoa, vừa kết hợp làm du lịch. Bước ngoặt này đã mang lại thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân. Anh Phạm Thanh Tâm, khu du lịch Cánh đồng hoa hồng chia sẻ, những năm gần đây nhiều nhà vườn đã tự thay đổi bản thân và làm mới cho làng hoa bằng cách đưa những giống hoa nhiều màu sắc vào canh tác, tạo được dấu ấn khó phai cho người dân, du khách khi được đắm mình trong không gian đầy màu sắc của hoa và không khí nhộn nhịp giao thương của làng hoa Sa Đéc. Theo anh Phạm Thanh Tâm, làng hoa đang vươn mình phát triển. Thông qua du lịch người dân giới thiệu đầy đủ đến du khách trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh của làng hoa Sa Đéc. 

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 6.

Những chậu hoa được các nhà vườn ở Sa Đéc chăm chút tỉ mỉ

Vùng đất Sa Đéc với nhiều nghệ nhân đang vun trồng, chăm sóc, nỗ lực vì sự phát triển của làng nghề hoa kiểng để mang lại cái đẹp cho đời và phồn thịnh cho xứ sở hoa lớn nhất miền Tây. 

Anh Trần Anh Điền, người dân ở làng hoa Sa Đéc chia sẻ, những nhà vườn trồng hoa ở Sa Đéc có được thành tựu như ngày hôm nay cũng phải trải qua biết bao "thăng trầm" trong nghề, vượt qua những bối cảnh khó khăn nhiều nhà vườn đang tạo thêm dấu ấn mới cho làng hoa Sa Đéc khi ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Theo anh Điền, thế hệ những người đi sau như anh vẫn luôn tự hào và nhận thức rõ cần phải học hỏi kinh nghiệm, bảo tồn và giữ gìn những nét truyền thống của làng hoa nhưng vẫn phải bắt kịp xu thế để Sa Đéc, thành phố ngàn hoa mãi tiếp nối, vun bồi cho thế hệ sau. 

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 7.

Nhiều giống hoa được người dân canh tác

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Sa Đéc là nơi tài hoa kết tinh thành giá trị, nơi người dân với lòng đam mê, sáng tạo đã đem đến cho đời nhiều cung bậc trong cuộc sống, qua nhiều sắc hoa đa dạng, dáng kiểng phong phú, làm giàu đời sống tinh thần không chỉ cho người dân Sa Đéc mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đó đi nhiều nơi trong cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng, hoa kiểng Sa Đéc giờ đây không chỉ là thương hiệu của một ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng, mà đã trở thành tên gọi có tính biểu tượng cao, khẳng định giá trị, truyền thống, chất lượng, nét đặc sắc riêng và trở thành điểm đến thân quen của du khách muốn chiêm ngưỡng, trải nghiệm, hoà mình vào không gian xanh mát, đầy màu sắc của cây, lá và hoa.

Làng hoa lớn nhất miền Tây và hành trình giữ gìn nét truyền thống- Ảnh 8.

Tết về không khí ở làng hoa Sa Đéc hối hả

Tết về không khí ở làng hoa Sa Đéc hối hả, tất bật hơn khi những chuyến xe chở đầy hoa kiểng nối đuôi nhau đi các tỉnh, thành và xa hơn thế là thị trường quốc tế. Những chậu hoa được các nhà vườn ở Sa Đéc chăm chút tỉ mỉ, gửi gắm niềm thương yêu, niềm vui, niềm hạnh phúc và thẫm đẫm tình đất, tình hoa, tình người của vùng đất Sen hồng – Đồng Tháp đến với mọi người, mọi nhà./.

Ý kiến của bạn