Làng gốm Bình Dương làm hàng ngàn mèo gốm bán Tết
(VOVTV) - Cuối năm là thời điểm bận rộn của các xưởng gốm ở Bình Dương để tạo ra các sản phẩm bán Tết. Năm nay, mẫu mã được đặt nhiều nhất là mèo gốm vì là năm Quý Mão.
Ngay từ sáng sớm, những người thợ ở các cơ sở sản xuất gốm thủ công truyền thống ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tất bật với công việc trộn đất, đổ khuôn tạo hình mèo. Sau khi tượng khô, những người thợ đem tách ra và gọt dũa tạo hình hoàn chỉnh. Các con vật sau đó được đem phơi nắng rồi nung chín bán cho các cơ sở phun sơn sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Bảy (55 tuổi), chủ cơ sở sản xuất gốm ở Bình Dương cho biết, mỗi ngày cơ sở của gia đình làm từ 100-200 con vật cung cấp cho cả khách hàng sỉ và lẻ. Mèo gốm có nhiều kích thước với giá dao động 2.000 đồng đến vài 30.000 đồng/con thô. Tuy nhiên, so với mọi năm thì năm nay số lượng bán ra không nhiều: “Năm nay, hàng đặt Tết cũng không nhiều, mọi năm 2, 3 ngày giao một lần thì nay 1 tuần giao một lần cho khách hàng. Mình cứ làm ra đó, người nào cần thì giao. Để cạnh tranh thì mình ráng chiều theo ý của khách hàng”.
Tại các sơ sở sơn thành phẩm, những chú mèo được phun sơn, vẽ thêm nét để "biến hình" thành những con mèo xinh xắn, được bán giá cao hơn, từ vài chục đến 100.000 đồng/con. Theo chủ các cơ sở làm ra thành phẩm, năm nay mèo gốm không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước. Để tìm đầu ra, ngay từ giữa năm 2022, các cơ sở đã phải liên hệ thương lái.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở Bình Dương trước đây có hàng trăm hộ theo nghề gốm nhưng nay chỉ còn khoảng vài chục hộ. Các cơ sở nhỏ lẻ làm thủ công vẫn nằm xen kẽ trong các khu dân cư ở phường Lái Thiêu (thành phố Thuận An) và phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên); còn những xưởng lớn đã được di dời vào các khu công nghiệp. Để lưu giữ nghề truyền thống, chính quyền Bình Dương đang vận động các cơ sở nhỏ lẻ chuyển đổi từ nung củi gây ô nhiễm môi trường sang nung bằng gas, điện, nhưng cái khó là không có kinh phí.
Bà Trần Thị Xuân Thủy, chủ cơ sở gốm cho biết, dẫu biết rằng việc đun củi sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng không có vốn thì không thể chuyển đổi, hoặc di dời.
“Nếu Nhà nước không cho mình đun củi thì hỗ trợ vốn để phát triển hệ thống khác. Nung điện, gas phải có vốn nhiều mới làm được, trong khi cô chú lớn tuổi làm ăn sống qua ngày nên đâu có vốn để làm”- bà Thủy nói.
Tin nổi bật
Tin Video