Lăng kính

Làn sóng sa thải tại Mỹ: Khủng hoảng kinh tế hay điều chỉnh cơ cấu việc làm?

(VOVTV) - Sau khi Meta, Amazon, Twitter sa thải hàng chục nghìn nhân sự nửa cuối năm ngoái, chỉ vài tuần đầu năm nay, Alphabet, Paypal, Dell Technologies là những cái tên tiếp theo trong danh sách nối dài của những công ty công nghệ phải sa thải nhân sự. Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn làn sóng này còn đang lan sang một số ngành nghề khác như ngân hàng, tài chính, truyền thông, giải trí…

Tác giả Vũ Hợp - Phạm Huân / VOV Washinton
13/02/2023 15:26

Theo thông tin từ một số trang theo dõi tuyển dụng việc làm, chỉ tính từ đầu năm nay, gần 300 công ty công nghệ đã sa thải khoảng 95.000 người lao động. Nếu tốc độ sa thải này kéo dài thì trong năm nay có thể chứng kiến tổng số khoảng 900.000 việc làm bị cắt giảm trong lĩnh vực công nghệ và liên quan, cao gấp 6 lần so với tổng số việc làm bị cắt giảm trong năm ngoái.

Trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lợi nhuận từ internet

Nếu như trong năm ngoái, làn sóng sa thải chỉ tập trung vào các công ty công nghệ lớn thì trong những tháng đầu năm nay, làn sóng sa thải bắt đầu lan sang một số ngành nghề khác. Điểm chung nhất ở đây có lẽ là cho đến nay những ngành nghề sa thải lao động nhiều nhất đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thu lợi nhuận từ mạng internet và các ứng dụng trên mạng.

Ngoài ra, cũng còn có một số nguyên nhân khác như lạm phát tăng mạnh, Chính phủ Mỹ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất liên tục nhiều lần với biên độ lớn nhất trong hàng chục năm qua, nguy cơ suy thoái kinh tế… khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Làn sóng sa thải tại Mỹ: Khủng hoảng kinh tế hay điều chỉnh cơ cấu việc làm? - Ảnh 1.

Meta - Công ty mẹ của Facebook cũng phải cắt giảm nhân sự quy mô để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Reuters

Trước và trong đại dịch Covid-19, những ngành nghề liên quan đến mạng và các ứng dụng trên mạng có tốc độ tăng trưởng bùng nổ khi hầu hết các nước đều áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, sau đại dịch, cuộc sống trở lại bình thường, người dân bắt đầu đi làm trực tiếp trở lại, ra ngoài mua sắm trực tiếp thay vì mua sắm trên mạng… Điều này khiến doanh số của các ngành nghề liên quan giảm mạnh, buộc phải cắt giảm nhân sự, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Đánh giá sâu xa hơn, đa số các công ty công nghệ, bất kể dịch vụ phức tạp đến mức nào hoặc các dự án nghiên cứu và phát triển tiên tiến đến đâu, đều điều hành doanh nghiệp một cách đơn giản nhất, đó là bán quảng cáo. Thậm chí, bất chấp tất cả các nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, một số ông lớn công nghệ xét cho cùng, chỉ là một công ty truyền thông. Với các thay đổi trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số cộng với việc cắt giảm chi tiêu quảng cáo của các công ty khi lo ngại về tình trạng tương lai của nền kinh tế, doanh thu của các tập đoàn công nghệ và các ngành nghề có liên quan sụt giảm. Theo đó, việc cắt giảm việc làm là điều đơn giản nhất mà các công ty này có thể làm để tiết kiệm chi phí, đảm bảo doanh số.

Tỷ lệ sa thải ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay

Khi theo dõi truyền thông, báo chí Mỹ thì hai xu hướng trên có vẻ như là đối lập, gây ra sự nghi ngờ về tình trạng việc làm tại nước này. Mặc dù xu hướng sa thải người lao động gia tăng, bắt đầu từ các ông lớn công nghệ sau đó lan sang các ngành nghề khác như truyền thông, ngân hàng, tài chính, giải trí… Tuy nhiên, các ngành nghề này đại diện cho xu hướng cũng như tương lai của nền kinh tế Mỹ đến được truyền thông, báo chí quan tâm đôi khi là quá mức.

Qua theo dõi tình trạng việc làm kể từ năm 2000, bắt đầu từ khi các dữ liệu loại này được chính thức thu thập và thống kê, thì tổng số lượng người lao động bị sa thải cũng như số lượng bị sa thải hàng tháng đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Về tổng số, thị trường lao động Mỹ có khoảng 155 triệu người lao động, việc hàng chục nghìn người bị sa thải trong một số lĩnh vực nhất định không phản ánh toàn bộ thực trạng nền kinh tế. Ví dụ cụ thể, theo các thông tin của Chính phủ Mỹ và các công ty nhân sự, trong tháng 12 năm ngoái, các công ty công nghệ và truyền thông đã sa thải khoảng hơn 5.000 việc làm, tuy nhiên, có tới hơn 20.000 việc làm được tuyển dụng mới chỉ trong lĩnh vực xây dựng chẳng hạn.

Làn sóng sa thải tại Mỹ: Khủng hoảng kinh tế hay điều chỉnh cơ cấu việc làm? - Ảnh 2.

các công ty công nghệ và truyền thông đã sa thải khoảng hơn 5.000 việc làm, tuy nhiên, có tới hơn 20.000 việc làm được tuyển dụng mới. Ảnh minh họa: Reuters

Để dễ hình dung, với thị trường lao động 155 triệu nhân công, các công ty công nghệ lớn chỉ tuyển dụng khoảng 2%, mức độ thấp hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác, ví dụ như sản xuất chiếm 8%, bán lẻ 10% hay y tế và các ngành nghề liên quan đến chăm sóc sức khỏe lên đến hơn 10%. Như vậy, về mặt con số thì làn sóng sa thải người lao động trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính ngân hàng, giải trí ở mức độ như hiện nay không có khả năng gây ra tác động lớn đối với thị trường lao động cũng như nền kinh tế Mỹ nói chung.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng các công ty công nghệ lớn sa thải người lao động là việc các công ty này đã tuyển dụng quá nhiều so với mức độ cần thiết trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Để đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa, giải trí tại gia đình… các công ty công nghệ đã tuyển dụng hàng loạt trong những năm đầu đại dịch khi lĩnh vực này ghi nhận bước tăng trưởng đột biến. Ví dụ, Meta, công ty mẹ của Facebook, đã có mức tăng trưởng lên đến 60% từ năm 2019 đến 2021. Chính vì kỳ vọng vào sự phát triển của mạng internet trong thị phần nền kinh tế nên Tập đoàn này đã tuyển dụng hàng chục nghìn nhân sự mới. Việc cắt giảm 11.000 việc làm hồi tháng 11 năm ngoái cũng không phải là con số quá lớn khi chỉ tính từ năm 2020 đến cuối năm 2021, Meta đã tuyển dụng khoảng 27.000 nhân viên mới.

Điều này cũng tương tự như Alphabet, công ty mẹ của Google. Năm 2019, tập đoàn này có khoảng gần 120.000 nhân viên và con số này tăng lên chóng mặt với hơn 37.000 vị trí việc làm mới đến năm 2021. Xu hướng cắt giảm việc làm tại các ngành nghề liên quan nhiều đến mạng internet cũng phản ánh đúng thực tế khi nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường sau đại dịch Covid-19. Hay cũng có thể nói rằng, làn sóng sa thải tại Mỹ hiện nay chủ yếu là thay đổi cơ cấu việc làm nhưng cũng có nguyên nhân từ các lo ngại về nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Tác động nhiều đến cổ phiếu công nghệ

Theo một số chuyên gia kinh tế, thực tế này không có tác động quá lớn đến thị trường việc làm cũng như sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này thì công nghệ được xem là động lực chính của nền kinh tế và thị trường chứng khoán nước này. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và phần mềm đóng góp khoảng 1,8 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ, chiếm khoảng 10% GDP của nước này.

Đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là Nasdaq, nơi các công ty công nghệ niêm yết chiếm gần một nửa thì các thay đổi trong ngành sẽ có tác động rất lớn. Điều này có nghĩa là nếu các ông lớn công nghệ thất bại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, các khoản đầu tư của người dân, kể các các quỹ hưu trí… Ngoài ra một số ngành công nghiệp khác cũng xem công nghệ là một chỉ số quan trọng trong việc lập kế hoạch kinh doanh, sản xuất và các quyết định đầu tư khác. Có thể thấy rằng, làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ hàng loạt sẽ có tác động tiêu cực đến cổ phiếu của ngành này và không có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung, ít nhất là trong ngắn hạn.

Làn sóng sa thải tại Mỹ: Khủng hoảng kinh tế hay điều chỉnh cơ cấu việc làm? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Reuters

Liên quan đến khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong năm 2023, trong thời điểm hiện nay, lạm phát tại Mỹ đã chậm lại đáng kể, thị trường việc làm đang ở mức tốt và không phản ứng quá tiêu cực với biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ vừa qua. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV năm 2022 đạt 2,9%, mặc dù giảm 0,3 so với mức tăng trưởng 3,2% của quý trước đó, nhưng vẫn vượt mức kỳ vọng theo dự tính của giới chuyên gia. Đây là các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang vận hành gần như theo tính toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian vừa qua. Mục tiêu của Cục Dữ trự Liên bang Mỹ hiện nay là tạo ra cái mà giới tài chính gọi là “cú hạ cánh mềm”, cho nền kinh tế Mỹ, nghĩa là vừa kiềm chế được lạm phát trong khi không gây ra tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng hoặc tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Theo đó, xu hướng việc làm bị cắt giảm gia tăng, không chỉ ở các ngành công nghệ, có lẽ cũng là điều đã được giới chức Mỹ tính toán và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn