Làm thế nào mà 'cha đẻ quả bom hạt nhân Hồi giáo' không bị Mossad “thanh toán”
Abdul Qadeer Khan là một nhà khoa học, người đã giúp một quốc gia Hồi giáo đang phát triển có được vũ khí nguyên tử và cũng bị cáo buộc là tội đồ phổ biến công nghệ hạt nhân.
“Cha đẻ của quả bom Hồi giáo”
Ngay sau khi Pakistan tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên (28/5/1998), trẻ em ở các trường học trên khắp đất nước đã ca hát, nhảy múa cổ vũ. Các thị trấn và thành phố treo cờ Pakistan để chào mừng sự kiện. Đó là khoảnh khắc tự hào đối với một quốc gia yếu kém về kinh tế đang phải vật lộn với các biện pháp trừng phạt và hàng rào kiểm soát vũ khí hà khắc của Mỹ.
Cùng với các bức ảnh của Thủ tướng khi đó là Nawaz Sharif, một nhân vật nổi bật được ca ngợi là Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan “cha đẻ” chương trình hạt nhân của Pakistan, người đã qua đời ngày 10/10, ở tuổi 85, do biến chứng Covid-19. Hàng chục nghìn người đã tham dự lễ tang của ông. Theo Thủ tướng Pakistan Imran Khan, "đối với người Pakistan, ông ấy là một biểu tượng quốc gia".
Sinh ra tại Ấn Độ vào năm 1936, Khan cùng gia đình chuyển đến Pakistan vào năm 1952. Năm 1972, ở tuổi 36, Khan làm việc cho một công ty nghiên cứu về máy ly tâm khí để làm giàu uranium, tại Hà Lan. Tấm bằng tiến sĩ luyện kim đồng tại Đại học Công giáo Leuven (Bỉ) đã giúp ông tiếp xúc nhiều với những người đang phát triển máy ly tâm tại Tập đoàn URENCO, một nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân.
Do Khan thông thạo tiếng Anh, Pháp và Đức, các nhà quản lý thường yêu cầu Khan dịch các tài liệu về công nghệ máy ly tâm. Nhiều tháng sau khi Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 8/1974, Khan đã liên hệ với chính phủ Pakistan, muốn giúp chế tạo máy ly tâm có thể tạo ra uranium làm giàu ở mức cao (HEU) dùng cho vũ khí. Tuy nhiên, bức thư đầu tiên ông viết cho Thủ tướng Pakistan khi đó là Zulfiqar Ali Bhutto, đã không được coi trọng.
Nhưng Khan vẫn kiên trì và cuối cùng, cuối năm 1974, đã gặp Bhutto ở Pakistan. Ngay sau đó, cùng với vợ, các con và các bản sao, thiết kế và giải thích về các bộ phận quan trọng của máy ly tâm, ông chuyển về Pakistan khi chương trình hạt nhân của Pakistan đang gặp khó khăn và ước mơ quả ‘Bom Hồi giáo’ trở thành một câu chuyện truyền thông. Có thông tin rằng Khan đã đánh cắp tài liệu và vào năm 1975, bị tình báo Hà Lan phanh phui, phải trốn về Pakistan.
Tình cờ, cùng năm đó, Arnon Milchen, ông trùm tương lai của Hollywood và sau đó là một điệp viên người Israel, cũng dính vào một vụ trộm tương tự. Milchen và đơn vị tình báo của Cục liên lạc khoa học của Israel đã mua bản vẽ máy ly tâm của URENCO từ một kỹ sư người Đức và chế tạo các máy ly tâm tương tự ở Dimona phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của Israel.
Tại Pakistan, nỗ lực xây dựng các lò phản ứng hạt nhân cho cả dân sự và quân sự bắt đầu vào giữa những năm 1950 với các chính sách và thể chế được thiết lập để đào tạo đội ngũ các nhà khoa học. Tuy nhiên, trong nhiều năm, nỗ lực sử dụng plutonium để làm vật liệu phân hạch của họ chẳng đi đến đâu. Cuối những năm 1970, các nhà khoa học nhận thức được họ cần máy ly tâm tốc độ cao để có được HEU cấp vũ khí. Nhưng có thiết kế máy ly tâm là một chuyện, chế tạo nó là một việc khác - và đó là cơ hội để Khan thể hiện sự nhạy bén và bản lĩnh của mình.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) khiến Islamabad gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho chương trình nguyên tử của mình. Pakistan thậm chí còn bị giám sát chặt chẽ hơn sau khi vào tháng 3/1979, kênh truyền hình ZDF (Đức) vạch trần hành vi trộm cắp thiết kế máy ly tâm của Khan. Mặc dù đang bị chú ý, Khan đã thiết lập một mạng lưới phức tạp bao gồm các công ty bình phong và trung gian để cung cấp các thành phần quan trọng như nam châm vòng, ống chân không và biến tần…
Người Pakistan luôn đi trước những người thực thi pháp luật châu Âu. Họ sẽ đặt hàng các mặt hàng công nghiệp sử dụng kép và giấu các bộ phận hạt nhân quan trọng trong đơn đặt hàng dài. Khan cũng khai thác các mối liên hệ của ông với nhà luyện kim Hà Lan Henk Selbos, người trong nhiều năm đã cung cấp các thành phần quan trọng cho chương trình hạt nhân của Pakistan.
Vai trò của Khan là then chốt trong việc chế tạo các máy ly tâm khí để làm giàu uranium. Hassan Abbas, giáo sư tại Đại học Quốc phòng (Washington) nói không nghi ngờ gì - sẽ không có quả bom nào nếu không có Khan. Ở Pakistan, Khan đã trở thành một nhân vật lớn hơn cả cuộc đời. Trong nhiều năm, ông đã có một chiếc máy bay vận tải C-130 của Không quân Pakistan theo ý mình. Ông là người bất khả xâm phạm - các thủ tướng và thậm chí cả các tướng lĩnh quân đội đều ngần ngại chất vấn ông.
“Bố già” của nhiều chương trình hạt nhân
Ở Pakistan, Khan được coi là một người hùng, nhưng trên thế giới, ông bị coi là người bán công nghệ hạt nhân cho một số chế độ mà một số nước phương Tây coi “chế độ bất hảo”. Ông đứng đầu mạng lưới phổ biến vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, đã bán các thành phần quan trọng để chế tạo bom cho Iran, Libya và Triều Tiên. Tại sao Khan lại biến chính mạng lưới mà ông đã sử dụng để giúp chương trình hạt nhân của Pakistan thành một phương tiện phổ biến vũ khí hạt nhân, là một vấn đề còn nhiều tranh luận.
Sau khi giúp nước nhà xây dựng một kho vũ khí hạt nhân, Khan mở một doanh nghiệp tư nhân. Ông ta thành lập một đại lý ở Dubai và từ đó điều hành một mạng lưới toàn cầu phức tạp và bí mật gồm các kỹ sư, nhà thầu và nhà tài chính, cung cấp cho các quốc gia khác bí quyết, công nghệ và thiết bị… hạt nhân. Mạng lưới này đã thuê các xưởng, nhà máy, văn phòng và trung tâm máy tính tại một số quốc gia bao gồm Malaysia, Triều Tiên và Thụy Sĩ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các giao dịch của Khan với Triều Tiên không phải là giao dịch thương mại. Tên lửa đạn đạo tầm trung Ghuari của Pakistan do nhóm của Khan phát triển là một biến thể của tên lửa No-Dong của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã chia sẻ công nghệ tên lửa để trao đổi các thành phần máy ly tâm mà Khan cung cấp. Được khoác lên mình hào quang của thiên tài hạt nhân, người tạo ra "quả bom Hồi giáo" đầu tiên, Khan đã đi du lịch nhiều vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 khắp Trung Đông.
Ai Cập, Saudi Arabia, Algeria và cả Syria đã từ chối cách quảng cáo bom để kiếm tiền của ông ta. Iran và Libya đã chấp nhận, nhưng đã thay đổi các điều khoản và điều kiện của Khan. Thiếu cơ sở hạ tầng khoa học và chuyên môn, lãnh đạo Libya lúc bấy giờ Muammar Qaddafi đã yêu cầu Khan và nhóm của ông thực hiện cho Tripoli một dự án chìa khóa trao tay, theo đó Khan sẽ chịu trách nhiệm bàn giao năng lực hạt nhân đã hoàn thành.
Iran đã mua từ Khan các bản vẽ máy ly tâm của Pakistan P1 và P2. Các nhà khoa học Iran, đứng đầu là Tiến sĩ Mohsin Fakhrizadeh, người gần đây bị một nhóm đặc vụ Mossad ám sát, đã chế tạo máy ly tâm của riêng họ, đổi tên thành Ir-1 và Ir-2. Iran đã nâng cấp, cải tiến chúng theo hướng nhanh hơn và hiệu quả hơn và gọi chúng là Ir-3-4-5-6-7, hiện đang vận hành tại các cơ sở làm giàu uranium ở Natanz và Fordow. Được mệnh danh là "Cha đẻ của vũ khí hạt nhân Pakistans", “Bố già” của nhiều chương trình hạt, nhưng Khan đã qua đời nhưng không phải bởi bàn tay của cơ quan tình báo Israel Mossad.
Thoát khỏi ám sát của Mossad
Shabtai Shavit - Giám đốc cơ quan tình báo khét tiếng Mossad những năm 1980-1990 đã ghi nhận việc Khan đi du lịch trong khu vực, nhưng Mossad và Aman (tình báo quân đội) không hiểu Khan định làm gì. Shavit nói, nếu hiểu đúng ý định của Khan, ông ta và các đồng nghiệp của mình sẽ cân nhắc việc cử một đội Mossad để “thanh toán” Khan, và nhờ đó, "thay đổi tiến trình lịch sử", ít nhất là trong quan hệ Israel-Iran.
Sau khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, nhà lãnh đạo Libya Qaddafi lo sợ sẽ là nạn nhân tiếp theo. Ông này gấp rút giải quyết các khúc mắc với Mỹ và Anh, bao gồm chấm dứt ủng hộ các nhóm khủng bố trên toàn cầu và hợp tác giải quyết vụ đánh bom Pan Am năm 1988 trên bầu trời Lockerbie (Scotland). Qaddafi bắt đầu đàm phán với CIA (Mỹ) và MI6 (Anh) và tiết lộ với đầy đủ tài liệu, cách mạng lưới của Khan xây dựng các địa điểm hạt nhân cho Libya, một số cải trang thành trang trại gà. CIA và MI6, cùng với các nỗ lực của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cuối cùng đã phá bỏ cả hai chương trình hạt nhân và hóa học của Libya.
CIA và MI6 đã che giấu và dàn xếp các cuộc đàm phán với Qaddafi đến mức Mossad và Aman đã bị sốc khi nghe tin từ BBC vào tháng 12/2004. Kết quả là, sau khi bị bỏ rơi, Israel bắt đầu đào sâu hơn các hồ sơ và cuối cùng phát hiện ra rằng, Syria đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân trên sa mạc, mặc dù Khan và Iran không có mối liên hệ nào. Lò phản ứng của Syria được xây dựng với sự giúp đỡ của Triều Tiên, bị không quân Israel phá hủy vào tháng 9/2007.
Những tiết lộ của kênh truyền hình Libya-Mỹ-Anh thông qua IAEA tăng áp lực quốc tế đối với khát vọng hạt nhân của Iran, dựa trên việc phơi bày đồng thời tài liệu hạt nhân mà Khan đã bán cho Tehran. Năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran. Những lệnh trừng phạt đó đã buộc Iran phải nhượng bộ, và vào năm 2015 ký thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) với sáu cường quốc.
Đáng tiếc, vào năm 2018, được sự khuyến khích của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và người đứng đầu Mossad Yossi Cohen, Tổng thống Mỹ Trump đã rút khỏi thỏa thuận. Iran hiện gần trở thành một quốc gia đạt ngưỡng hạt nhân hơn so với năm 2018, tiến gần đến mục tiêu mà Khan đã được đặt ra. CIA cũng từng có cơ hội ngăn chặn vai trò của Khan ở Pakistan và hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của ông ta. Năm 1975, Thủ tướng Hà Lan Ruud Lubbers tiết lộ CIA đã biết về Khan và việc ăn cắp công nghệ hạt nhân, nhưng Mỹ đã làm rất ít để ngăn chặn Pakistan có được vũ khí hạt nhân.
CIA tiếp tục theo dõi Khan và tìm cách thâm nhập vào công ty đóng tại Dubai của ông ta. Một trong những nhân viên người Thụy Sĩ của Khan làm việc cho CIA. Ba chuyên gia kỹ thuật Thụy Sĩ bán các bộ phận máy ly tâm Khan từ các địa điểm sản xuất ở Thụy Sĩ, Dubai và Malaysia, đã bị điều tra, truy tố. Khi vai trò của Khan ở Libya bị công khai vào năm 2004, giới chức Pakistan từ chối cho phép IAEA thẩm vấn Khan.
Dưới áp lực quốc tế, các nhà chức trách Pakistan đã ‘thẩm vấn ông ta’, tránh một bản cáo trạng chính thức về tội bán trái phép bí mật hạt nhân. Khan thú nhận về mạng lưới mua bán vũ khí hạt nhân và bí mật của mình trên truyền hình quốc gia, phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào của nhà nước Pakistan trong các hoạt động. Ông ta đã được Tổng thống lúc bấy giờ là Pervez Musharraf ân xá, chỉ quản thúc tại gia. Nhưng Khan vẫn là một anh hùng dân tộc trong mắt công chúng cũng như đối với Pakistan, khi đó bị cai quản bởi giới quân sự.
Khan đi vào lịch sử với tư cách là “cha đẻ” chương trình bom hạt nhân của Pakistan, doanh nhân mờ ám, tội đồ phổ biến hạt nhân tư nhân lớn nhất từ trước đến nay, và là một người sống sót trong thế giới địa chính trị hạt nhân và phản gián đầy chết chóc. Ông là một trong số ít các nhà khoa học hạt nhân đã giúp kẻ thù của Israel có được năng lực quân sự chiến lược, nhưng là người không bị Mossad ám sát mà chết trên giường bệnh./.
Tin nổi bật
Tin Video