Tin tức

Làm sao để không 'ngăn sông cấm chợ' khi thực hiện phòng chống dịch Covid-19?

(VOVTV) - Quyết định cách ly người về từ TP.HCM của tỉnh Đồng Nai vừa qua được cho là cực đoan, cứng nhắc, gây hoang mang cho nhiều người. Vậy làm thế nào để phòng chống dịch lây lan mà vẫn thực hiện được mục tiêu kép, không “ngăn sông cấm chợ”, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp?

Tác giả Nhóm PV / VOV TPHCM
05/06/2021 21:00

Ngày 4/6, ngay sau khi nhận được thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu kể từ 0h ngày 5/6, người từ TP.HCM đến Đồng Nai phải cách ly 21 ngày, gần 300 lao động, chuyên gia người Hàn Quốc tại Công ty Teak Wang ViNa ở Đồng Nai phải tất bật về TP.HCM lấy đồ dùng cá nhân và quay lại Đồng Nai thuê khách sạn ở trước giờ thực hiện quy định này.

Nhiều doanh nghiệp của Hội Doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM cũng nháo nhào với quy định này của Đồng Nai. Vì hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch nông sản, trong khi phần lớn nhà máy, nguyên liệu của họ ở Đồng Nai, mà nhiều người lao động lại ở TP.HCM.

Một chốt kiểm soát kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của Đồng Nai.jpg

Một chốt kiểm soát kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của Đồng Nai

Quy định của tỉnh Đồng Nai gây xáo trộn, gây lo lắng và khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM cho rằng, TP.HCM là trung tâm kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều liên quan chặt chẽ với nhau về nguyên liệu, hàng hóa, lao động… Vì vậy, mọi quyết định của các địa phương lân cận liên quan đến việc phòng chống dịch phải cân nhắc rất kỹ, không nên ngăn sông, cấm chợ mà phải đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trưa 5/6, UBND tỉnh Đồng Nai lại có công văn theo hướng tạo thuận lợi hơn cho việc di chuyển đi lại của người dân giữa Đồng Nai và TP.HCM.

Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm TP.HCM cho rằng: “Tới đây, không chỉ Đồng Nai mà một số tỉnh lân cận trong khu vực, khi ban hàng một công văn chỉ thị gì thì phải nghiên cứu kỹ để tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp như quyết định đột ngột của Đồng Nai. Các địa phương phải đảm bảo mục tiêu kép: phòng chống dịch bệnh và sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế, tránh gây ách tắc cho doanh nghiệp”.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sonion, Khu Công nghệ cao, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết, từ hôm qua đến nay, chị và 78 nhân viên, người lao động của doanh nghiệp đã được cho ở nhà tại Đồng Nai, tạm thời chưa lên công ty để khỏi trở về sẽ bị cách ly. Đến hôm nay nhận được thông tin Đồng Nai nới lỏng một phần đi lại với người về, đến từ TP.HCM, chị cảm thấy vui mừng, vì hoạt động đi làm của chị cùng nhiều công nhân được trở lại bình thường.

Theo chị Thảo, những điều kiện mà tỉnh Đồng Nai mới đưa ra ngày 5/6 có phần nới lỏng hơn so với quy định nêu ra hôm trước thì doanh nghiệp chị có thể đáp ứng được. Cụ thể như trường hợp cần thiết phải đi về trong ngày, trước mắt UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu thực hiện một số quy định như: đối với trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai, đăng ký danh sách công nhân trên từng xe; đăng ký điểm dừng đón, dừng trả công nhân trên địa bàn, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch.

Người từ TPHCM đến - về Đồng Nai khai báo y tế.jpg

Người từ TPHCM đến - về Đồng Nai khai báo y tế

Chị Thảo cũng cho biết, quy định như mỗi xe không chở quá 50% số lượng người so với quy định, thực hiện khai báo y tế… không quá khó đối với doanh nghiệp như Sonion vì đơn vị đã thực hiện trước đó.

“Việc khai báo thì đã tuân thủ theo yêu cầu về tờ khai y tế liên quan đến khai báo chuyến đi, thì bên phía công ty bắt buộc mỗi nhân viên khi lên xe phải khai báo, trình báo với tài xế, thậm chí phải gửi vào nhóm của những người đi chung xe đó thì mới được lên xe”, chị Thảo nói.

Theo chuyên gia dịch tễ học Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, mặc dù với mục tiêu muốn dập dịch nhanh, khống chế kiểm soát chặt chẽ, an toàn nhất, nhưng phải phù hợp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hiện nay nhu cầu đi lại liên tỉnh trong làm việc mỗi ngày là nhu cầu rất lớn. Vì vậy việc quan trọng là phải yêu cầu tuân thủ 5K trong khi làm việc và trong khi về nhà thì không dễ lây lan ra cộng đồng nếu có ca lây nhiễm.

“Càng ngăn sông cấm chợ thì càng nguy hiểm vì có thể có rất nhiều đường tắt, đường hẻm. Đôi khi họ bắt buộc phải về, vì đó là nhu cầu chính đáng. Nếu mình cấm thì người ta càng trốn về, như thế càng nguy hiểm hơn chứ không được lợi gì”, bác sỹ Khanh nói.

Từ đầu mùa dịch, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu không ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Tuy nhiên, một số địa phương lo sợ dịch lây lan nhanh đã nóng vội, đưa ra các chủ trương bất ngờ, gây hoang mang cho người dân. Theo một thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, sẽ kiểm tra ngay và nhắc nhở quyết định của Đồng Nai.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn