Lạm phát ở Nhật Bản tăng mạnh nhất trong hơn 7 năm
(VOVTV) - Ngày 19/8, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này trong tháng 7 vừa qua tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 6 và là mức tăng lớn nhất trong hơn 7 năm qua. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Mức tăng CPI trong tháng 7 vừa qua là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2014, khi CPI tăng 2,5 % sau khi thuế tiêu dùng tăng từ tháng 4 cùng năm đó.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát ở Nhật Bản tiếp tục tăng là do giá nhiên liệu và nguyên vật liệu thô vẫn đứng ở mức cao, khiến nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá, trong khi đồng yen mất giá so với USD cũng khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Điều này đang đẩy chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình ở Nhật Bản tăng cao trong khi tốc độ tăng tiền lương vẫn rất chậm. Thực trạng này có thể tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sau đại dịch COVID-19.
Nếu tính cả biến động giá thực phẩm tươi sống, CPI của Nhật Bản trong tháng 7 vừa qua tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn nếu loại trừ các biến động của giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, chỉ số này chỉ tăng 1,2%. Điều này cho thấy việc giá thực phẩm tươi sống và năng lượng tăng cao đã tác động lớn tới CPI.
Mặc dù vậy, so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, lạm phát ở Nhật Bản vẫn khá thấp. Nếu loại trừ những biến động về giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, CPI của Nhật Bản còn thấp hơn nhiều. Vì vậy, giới phân tích dự báo BOJ có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.
Trước đó, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã khẳng định rằng ngân hàng trung ương chưa từ bỏ chương trình kích thích khổng lồ của mình nếu nhu cầu tiêu dùng cá nhân chưa hồi phục.
Tin nổi bật
Tin Video