Lạc Thuỷ: Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi để giảm nghèo bền vững
(VOVTV) - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần khơi dậy tiềm năng, quyết tâm của hội viên trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội Nông dân huyện Lạc Thuỷ có 11.028 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 112 chi hội và 225 tổ hội. Xác định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, hằng năm. Hội đã phát động, triển khai phong trào đến từng cơ sở hội, chi hội, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào sản xuất, kinh doanh; tổ chức cho hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và giao chỉ tiêu cụ thể đến từng hội cơ sở; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp thực hiện hiệu quả; khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt... Nhờ đó, trong nhiệm kỳ qua đã có 30.378 lượt hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ SX-KD giỏi các cấp, trong đó có 17.284 hộ đạt danh hiệu, chiếm 57% số hộ đăng ký, đạt 114% so với chỉ tiêu Nghị quyết của đại hội. Phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi đã lan tỏa sâu rộng, qua đó nhân lên nhiều tấm gương nông dân vươn lên làm giàu.
Hiệu quả của phong trào đã đem lại sự đổi thay rõ nét trong đời sống của nhiều hộ nông dân. Nhiều hộ khó khăn trở nên khá, giàu và giúp đỡ những hộ khó khăn khác về giống, cây, con, vốn, vật tư phục vụ sản xuất, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Đến nay, toàn huyện có 61 trang trại với đa dạng các lĩnh vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp HND huyện Lạc Thủy đã vận động hội viên đăng ký hộ nông dân SX-KD nông sản, thực phẩm cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lồng ghép vào phát động phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi. Qua các phong trào đã phát huy tính sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau bằng nhiều hình thức như cho mượn vốn, cây giống… Từ đó góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến năm 2022 còn 10%, trong đó, tỷ lệ HVND nghèo còn 7,1%. Những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp dần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Ông Nguyễn Duy Lành, hội viên chi hội nông dân thôn Bột, xã Phú Thành chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong thôn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Sau khi cùng bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do các cấp, ngành tổ chức vào năm 2.000, tôi mạnh dạn vay vốn và bắt đầu gây dựng trang trại nuôi gà Lạc Thủy, trồng cam lòng vàng và bưởi Diễn. Sau nhiều năm phấn đấu, thành công nối tiếp thành công, từ trang trại với quy mô 1ha, đến nay diện tích trang trại đã phát triển lên 5ha.
Thành công từ nuôi gà Lạc Thủy, nhận thấy nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Lành tiếp tục đầu tư xây dựng trại lợn theo công nghệ Thái Lan với quy mô 200 con. Đến nay, trang trại của ông Lành đang nuôi khoảng 14.000 con gà Lạc Thủy; 300 con lợn nái và trên 5.000 lợn thương phẩm.
Theo ông Lành, với quy mô trang trại rộng lớn như vậy, để đàn gà, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình thuê 2 kỹ sư chăn nuôi thú y để giám sát toàn bộ quy trình từ khâu chăm sóc, phối giống đến thức ăn.
Chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm chăn nuôi với chúng tôi, ông Lành tiết lộ: Ngày xưa các cụ thường bảo "một nghề thì sống, đống nghề thì chết", nhưng đến thời mình khác hoàn toàn. Nếu chỉ làm một nghề thì chắc trang trại của tôi không tồn tại đến bây giờ.
Năm 2022, ông Lành xuất 600 tấn lợn; 20 tấn gà và hàng trăm nghìn giống gà Lạc Thuỷ từ 1 - 2 ngày tuổi ra thị trường. Tổng doanh thu từ trang trại chăn nuôi đạt khoảng trên 30 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 6 tỷ đồng.
Mặt khác, ông Lành còn tham gia đóng góp trên 5 triệu đồng/năm cho hoạt động xã hội, từ thiện; Ủng hộ Quỹ đồng hành cùng con em hội viên nông dân đến trường 1.000.000đ/năm, Quỹ Chi Hội Nông dân 2.000.000đ/năm; Tết thiếu nhi 1.500.000/năm; Ủng hộ Qũy Hỗ trợ nông dân 200.000đ/năm.
Tương tự, gia đình ông Chu Văn Sâm, xóm Đồng Danh, xã Phú Thành đã phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa được 4 năm. Được HND huyện, xã cử tham gia lớp chuyển giao tiến bộ KHKT và tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, gia đình ông Sâm đã mạnh dạn chuyển hướng từ nuôi bò sinh sản sang bò sữa. Năm 2019, đàn bò sữa của gia đình có gần 20 con, đến nay đã tăng lên gần gấp 3, trong đó có khoảng 15 con đang trong thời kỳ khai thác.
Toàn bộ nguồn thức ăn cho bò như ngô sinh khối, cỏ voi đều do gia đình tự trồng, chăm sóc hoàn toàn hữu cơ. Nhờ vậy sản phẩm sữa thu được đảm bảo các yêu cầu của bên thu mua là Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Mô hình đạt thu nhập bình quân mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng. Không riêng gia đình ông Sâm, đến nay, toàn xã có 4 trang trại chăn nuôi bò sữa hoạt động hiệu quả. Các trang trại đều ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài với Vinamilk, đầu ra và giá cả ổn định, giúp nông dân yên tâm chăn nuôi, sản xuất.
Với những việc làm thiết thực và hiệu quả, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tại huyện Lạc Thuỷ đã thể hiện rõ vai trò, sự đồng hành của tổ chức Hội, khơi dậy ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình của mỗi hội viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tin nổi bật
Tin Video