Quốc tế

Kỳ vĩ vùng đất có người ở xa xôi nhất trên thế giới

Một khi đã vượt qua được những khó khăn để đặt chân đến vùng thung lũng xa xôi ở miền bắc Ấn Độ, người ta sẽ thấy cả một thế giới kỳ diệu.

10/02/2024 21:51
Kỳ vĩ vùng đất có người ở xa xôi nhất trên thế giới- Ảnh 1.

Cảnh tượng những ngọn núi hùng vĩ ngoạn mục của dãy Zanskar khiến nhiếp ảnh gia người Anh cực kỳ ấn tượng. Ảnh: Andrew Newey

Zanskar là một vùng thung lũng cực kỳ xa xôi nằm ở độ cao khoảng 3.500m, có các đỉnh núi cao hơn 7.000m ở Ladakh, phía bắc Ấn Độ. Vào mùa đông, tuyến đường chính đến Zanskar là Chadar dài 64km. Du khách sẽ phải đi bộ qua dòng sông Zanskar đóng băng. Đây là cung đường nguy hiểm vì có nguy cơ gặp tuyết lở, bão tuyết hoặc băng vỡ dẫn đến khả năng rơi xuống sông.

Trên thực tế, việc di chuyển bằng đường bộ không phải là một lựa chọn lý tưởng do tuyết rơi rất dày và nguy cơ tuyết lở cao cho dù đường sá trong khu vực đã được cải thiện rất nhiều. Năm 2022, dịch vụ trực thăng đưa đón du khách từ thành phố Ladakh đến thung lũng Zanskar đã đi vào hoạt động. Nhờ đó, du khách chỉ mất 45 phút mà không cần vượt qua hành trình nguy hiểm để đến được vùng đất xa xôi bí ẩn này.

Đây là vùng đất gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, có diện tích khoảng 7.000 km2. Những người từng đặt chân đến đây đều choáng ngợp trước khung cảnh của Zanskar.

Andrew Newey, một nhiếp ảnh gia người Anh 44 tuổi, là một trong số đó. Anh đã đến Zanskar bằng trực thăng và ngay từ cửa sổ trực thăng, anh có thể nhìn thấy một khung cảnh ngoạn mục với những ngọn núi hùng vĩ của dãy Zanskar. Chính những cảnh quan núi non này đã truyền cảm hứng cho chuyến đi của nhiếp ảnh gia Andrew. Anh cảm thấy chúng sẽ tạo nên những bức ảnh cực kỳ ấn tượng. Dù đã đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới, Zanskar vẫn thu hút Andrew bởi sự bí ẩn và khó tiếp cận.

Nhiếp ảnh gia Andrew cho biết: “Cuộc sống ở Zanskar rất đơn sơ. Tuy nhiên, vì tôi đã quen sống với người dân địa phương ở những vùng đất xa xôi khác, nên việc thiếu thốn tiện nghi cũng không phải là điều gì quá thách thức. Như tất cả những nơi xa xôi trên thế giới mà tôi đã từng ghé thăm, người dân ở đó dường như hoàn toàn hài lòng với những gì họ có được”.

Tại đây, Andrew nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân địa phương. Người Zanskar cực kỳ thân thiện và hầu hết đều rất vui khi được chụp ảnh. Ban đầu, một số người lớn tuổi tỏ thái độ hơi ngại, nhưng sau khi Andrew sống chung với họ vài ngày, họ nhanh chóng quen và chấp nhận việc để anh chụp ảnh mình.

Kỳ vĩ vùng đất có người ở xa xôi nhất trên thế giới- Ảnh 2.

Du khách muốn đến khám phá Zanska hay người dân địa phương muốn vận chuyển nhu yếu phẩm đều phải băng qua các dòng sông băng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vào mùa đông. Ảnh: Andrew Newey

Tuy nhiên, mùa đông nơi đây thực sự rất khắc nghiệt, đặc biệt khi có gió mạnh. Cực kỳ ít khách du lịch đến Zanskar vào mùa đông, vì vậy tất cả các khách sạn và nhà khách đều đóng cửa, phương tiện đi lại trở nên khan hiếm và mọi người chỉ có thể ở ẩn chờ đến mùa xuân.

Trong chuyến đi của Andrew, nhiệt độ trung bình trong ngày vào khoảng -10 độ C, ban đêm giảm xuống khoảng -20 đến -25 độ C. Người dân địa phương đã quen với cái lạnh và chỉ dùng chăn để giữ ấm trong những đêm lạnh buốt. Hầu hết mọi người đều có một bếp củi nhỏ để nấu nướng và sưởi ấm trong nhà. Người Zanskar cực kỳ rắn rỏi vì sống trong môi trường khắc nghiệt như vậy khiến họ phải có khả năng thích ứng với những thay đổi của thời tiết.

Biến đổi khí hậu đang có tác động mạnh mẽ đến vùng đất xa xôi này, khi nhiệt độ ngày càng tăng khiến các dòng sông băng tan chảy nhanh, dẫn đến lũ lụt. Dân làng gặp nhiều khó khăn trong việc trồng trọt và cả chăn nuôi. Tuyết rơi ngày càng nhiều và thất thường hơn, điều đó có nghĩa là gia súc và các động vật khác phải vật lộn để tìm thức ăn trong điều kiện khắc nghiệt ấy.

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các tuyến đường ra vào Zanskar. Khi tuyết rơi dày đặc làm tắc nghẽn mọi con đường, người dân địa phương hay người từ bên ngoài muốn ra vào đây phải thường băng qua các dòng sông băng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm sông băng không được hình thành đúng cách, dẫn đến những “con đường băng” trở nên nguy hiểm hơn khi đi bộ hay vận chuyển các nhu yếu phẩm quan trọng.

Kỳ vĩ vùng đất có người ở xa xôi nhất trên thế giới- Ảnh 3.

Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, giúp người dân Zanskar chống chọi thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Andrew Newey

Trong cuộc sống thường nhật ở thung lũng Zanskar, Phật giáo đóng một phần rất quan trọng và là nguồn an ủi về tinh thần cho người dân địa phương trong điều kiện sống khắc nghiệt, thiếu thốn.

Tu viện Phugtal là một địa điểm nổi bật ở Zanskar. Đây là một tu viện Phật giáo được xây dựng xung quanh hang động ở phía đông nam Zanskar từ hơn 2.500 năm trước.

Kỳ vĩ vùng đất có người ở xa xôi nhất trên thế giới- Ảnh 4.

Tu viện Phugtal vào lúc hoàng hôn, nhìn từ xa "trông giống như một tổ ong khổng lồ bám vào mặt vách đá dựng đứng". Ảnh: Andrew Newey

Để đến được tu viện nằm ở độ cao 4.267m này, du khách phải đi bộ dọc theo dòng sông Lungnak đóng băng bằng phẳng nhưng cực kỳ trơn trượt. Nhìn từ xa, tu viện trông giống như một tổ ong khổng lồ bám vào vách đá dựng đứng. Trong ráng chiều, khi cơn bão tuyết đang đến gần, khung cảnh thực sự kỳ diệu.

Tu viện Phugtal là nơi ở của khoảng 30 - 40 tu sĩ vào mùa đông, còn vào những tháng ấm áp hơn, số lượng tu sĩ vào khoảng 80 người. Nhiều tu sĩ trẻ mới gia nhập sẽ trở về nhà đoàn tụ với gia đình trong kỳ nghỉ đông.

Nói về lý do tạo nên sức hấp dẫn của Zanskar, Andrew cho biết: “Chính sự xa xôi, vẻ đẹp đáng kinh ngạc của những ngọn núi phủ tuyết, sự hào phóng và lòng hiếu khách của người dân đã khiến Zanskar trở nên đặc biệt và huyền diệu”.

Ý kiến của bạn