Kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới ảm đạm ở châu Âu vì biến thể Omicron
Nhiều nước châu Âu đã phải hủy các sự kiện Giáng sinh và Năm mới trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rộng. Trong khi đó, một số nước vẫn cố gắng để người dân được tận hưởng mùa lễ hội truyền thống nhưng với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.
Mặc dù là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng tốt nhất ở châu Âu, Tây Ban Nha vẫn quyết định sẽ tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở tất cả các không gian ngoài trời sau khi nước này ghi nhận sự gia tăng kỷ lục số ca mới mắc Covid-19, trong đó một nửa số ca là do biến thể Omicron.
Thủ tướng Pedro Sanchez cũng yêu cầu quân đội trợ giúp triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19. Điều “nhượng bộ” duy nhất mà Thủ tướng Sanchez đưa ra là các biện pháp hạn chế sẽ không cản trở quá nhiều đến các sự kiện trong dịp Giáng sinh.
Mùa lễ hội ảm đạm vì Omicron
Trong bối cảnh châu Âu đang nhanh chóng trở thành tâm dịch Covid-19 trong làn sóng Omicron mới, chính phủ các nước trên khắp châu lục cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như Tây Ban Nha: Làm thế nào để đảm bảo mùa lễ hội có thể diễn ra trong khi vẫn tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19?
Vấn đề của Tây Ban Nha là dù 81% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ - cao hơn so với tỷ lệ 61% ở Mỹ - nhưng mới chỉ có khoảng 20% dân số đã tiêm mũi tăng cường và số ca mắc mới tại nước này hiện cũng ở mức cao tại châu Âu.
Chỉ 2 ngày trước Giáng sinh, tỷ lệ ca mới mắc Covid-19 tại Tây Ban Nha là khoảng 695 ca/100.000 dân, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tới nay.
Dù Tây Ban Nha không muốn áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế vì biết rằng điều đó không nhận được sự ủng hộ, nhưng cuối cùng chính phủ cũng không thể tránh khỏi việc phải đưa ra quyết định cứng rắn.
Cánh cửa cũng đang khép dần ở các nước châu Âu khác. Bồ Đào Nha – cũng là một nước ban đầu thực hiện rất tốt chương trình tiêm chủng – hiện giờ đã phải yêu cầu tất cả các quán bar, hộp đêm đóng cửa từ ngày 26/12, ngay sau khi các buổi tiệc Giáng sinh kết thúc.
Áo sẽ làm điều tương tự từ ngày 27/12 tới, hạn chế bớt các sự kiện năm mới. Sau Giáng sinh, “sẽ không có thời gian để ăn mừng”, quan chức y tế trưởng của Áo, bà Katharina Reich nhấn mạnh.
Đức, quốc gia lớn nhất châu Âu, cũng sẽ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế.
Phần Lan có cách tiếp cận mềm mỏng hơn, khi vẫn cho phép các quán bar, nhà hàng mở cửa đến 22h. Trong khi đó, Hà Lan sẽ duy trì lệnh phong tỏa chặt chẽ cho tới giữa tháng 1/2022.
Ngoại lệ ở Anh
Một ngoại lệ hiện nay ở châu Âu là là Anh - nước đang nắm giữ kỷ lục về số ca mới mắc Covid-19, với hơn 100.000 ca mỗi ngày. Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chia rẽ sâu sắc về việc tái áp đặt hạn chế.
Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng và khi tới một số địa điểm công cộng khác, nhưng ít nhất cho đến thời điểm này, Anh vẫn chưa yêu cầu đóng cửa các quán bar, hộp đêm, mặc dù Scotland và Wales đã có quy định nghiêm ngặt hơn.
Sự do dự của Anh khi đối mặt với số ca mới mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục hiện nay có thể là do những khó khăn chính trị của Thủ tướng Johnson, sau khi có thông tin tiết lộ rằng ông và các cộng sự thân cận nhất đã phớt lờ quy định về phòng chống dịch trong thời gian phong tỏa năm 2020. Vì thế, nhiều khả năng chính phủ Anh sẽ chờ đến sau Giáng Sinh mới quyết định về việc siết chặt các biện pháp hạn chế, với hy vọng khi đó các bê bối chính trị đã lắng xuống.
Các nước tăng tốc tiêm mũi vaccine tăng cường
Hiện các nước châu Âu đang đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy chương trình tiêm mũi tăng cường.
Chính phủ Anh cam kết tiêm khoảng 1 triệu mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19 mỗi ngày. Mục tiêu này ban đầu được đánh giá là bất khả thi nhưng đã thực hiện được với gần một nửa dân số hiện đã tiêm mũi thứ ba.
Đức đặt mục tiêu đạt mốc 30 triệu mũi tăng cường vào cuối năm nay và hiện đã tiêm được 28 triệu mũi. Tuy nhiên, ông Carsten Breuer, người đứng đầu nhóm ứng phỉ khủng hoảng đại dịch của Đức, muốn đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường.
“Tuần trước và sau Giáng sinh là cực kỳ quan trọng, phần lớn là do mọi người có thời gian rảnh để đi tiêm vaccine”, ông Breuer nói.
Việc tất cả các nước châu Âu đều muốn tránh sự xáo trộn đối với kỳ nghỉ lễ truyền thống là do sự phản đối của công chúng ngày càng tăng đối với các biện pháp hạn chế kéo dài, cũng như sự nghi ngờ về vai trò của các ủy ban khoa học trong việc tư vấn cho các chính trị gia về các biện pháp phong tỏa.
Một cuộc tranh luận gay gắt đã bùng phát trên phương tiện truyền thông ở Anh về những cáo buộc rằng các cố vấn khoa học của nước này đang phóng đại tác động tiềm tàng của biến thể Omicron và số người cần nhập viện thấp hơn nhiều so với dự đoán.
Thực tế số ca mới mắc Covid-19 trên khắp châu Âu đang tăng mạnh trong khi số ca tử vong vẫn ở mức thấp khiến nhiều người cho rằng các chính trị gia có thể đã quá thận trọng và nhiều biện pháp hạn chế đang được áp đặt hiện nay là không cần thiết.