Kỳ lạ nghề sắp xếp tủ quần áo cho giới thượng lưu Trung Quốc, lương tới 2.000 USD/lần dọn dẹp
Các chuyên gia sắp xếp nhà cửa đang giúp giới thượng lưu Trung Quốc lấy lại sự ngăn nắp sau mỗi đợt mua sắm. Tuy nhiên, họ không khuyên khách hàng loại bỏ túi xách Louis Vuitton hay váy Gucci đi, mà hướng dẫn họ cách bảo quản tốt nhất.
Phát hiện chiếc áo khoác Burberry mới toanh trong tủ mà không nhớ mình đã mua lúc nào, Chen Rui cảm thấy đúng đắn khi thuê chuyên gia về sắp xếp lại tủ đồ hiệu.
“Làm thế nào mà các bạn tìm ra được cái này?”, người phụ nữ 32 tuổi sống trong căn hộ sang trọng tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hỏi đội ngũ chuyên gia sắp xếp quần áo. Họ đã “khai quật” được chiếc áo khoác này từ một chồng đồ chất đầy trong tủ.
Chen Rui thuê chuyên gia sắp xếp nhà cửa về để xử lý tủ quần áo của mình. (Ảnh: AFP)
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua đã khiến nhu cầu chi tiêu tăng mạnh. Những người thuộc tầng lớp thượng lưu không ngại vung tiền mua đồ hiệu để thể hiện đẳng cấp của mình. Theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey vào năm 2019, 1/3 tổng chi tiêu hàng hiệu trên toàn cầu đến từ người tiêu dùng Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thời đại mà mọi người đua nhau mua sắm tại nhà, việc chạy theo mốt cũng có mặt trái.
Bà nội trợ Chen cho biết, phòng quần áo đầy những sản phẩm từ Louis Vuitton, Chanel, Prada hay Gucci của cô từng khiến cô và chồng cãi nhau thường xuyên.
“Tôi chẳng bao giờ bỏ đi bất cứ thứ gì trong bộ sưu tập của mình, chỉ thêm vào thôi”, cựu giáo viên dạy vẽ này thú nhận, nói rằng cô thích nuông chiều bản thân. “Tôi thấy việc kiềm chế bản thân là không cần thiết”.
Bian Lichun (giữa) là người sáng lập trường đào tạo sắp xếp nhà cửa Liucundao. (Ảnh: AFP)
Quá tuyệt vọng, Chen quyết định thuê một đội sắp xếp nhà cửa gồm 4 người đến "giải cứu" tủ quần áo của mình. Những chuyên gia này mặc đồng phục màu đen, lật tung căn hộ cao cấp của cô và dọn dẹp hàng nghìn bộ quần áo và hàng đống túi xách hàng hiệu trong tủ.
Đội ngũ chuyên gia được quản lý bởi Yu Ziqin - một trong hàng ngàn người tốt nghiệp từ trường đào tạo sắp xếp nhà cửa Liucundao. Tại đây, họ sẽ được dạy về nghệ thuật dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp tủ đồ cho người giàu tại Trung Quốc.
Bian Lichun - sáng lập viên của trường - cho biết, hiện tại có khoảng 3.000 chuyên gia trong lĩnh vực mới nổi này. Theo đài truyền hình CCTV, thị trường dọn dẹp nhà cửa cho người giàu ước tính có thể đạt doanh thu 100 tỷ NDT (khoảng 14,9 tỷ USD) trong năm nay.
Theo Bian, nhu cầu sắp xếp nhà cửa đã tăng 400% trong đại dịch, vì mọi người dành quá nhiều thời gian mua sắm tại nhà và phải tìm chỗ để chứa toàn bộ đống đồ mới mua.
Khách hàng sẵn sàng trả 2.000 USD cho một lần dọn dẹp diễn ra trong vài ngày
Chuyên gia sắp xếp nhà cửa Han Yonggang cho biết, khách hàng của anh sẵn sàng trả 2.000 USD cho một lần dọn dẹp diễn ra trong vài ngày. Họ là những người có mức thu nhập 1 triệu NDT/năm.
“Tôi kiếm được nhiều tiền hơn thời còn làm thiết kế đồ họa”, Han giải thích.
Tuy nhiên, khác với Marie Kondo - bậc thầy dọn dẹp nổi tiếng thế giới, nguồn cảm hứng của hàng triệu bà nội trợ, Bian và các đồng nghiệp không bao giờ thuyết phục khách hàng vứt đồ đi hay hạn chế mua sắm.
Thay vào đó, đội ngũ của cô sẽ dạy khách hàng cách để giữ gìn và bảo quản đồ đạc bằng các thùng chứa đồ hoặc mắc treo quần áo siêu mỏng.
“Không có gì là vô dụng trên đời này”, Bian nói.
Bian Lichun đang hướng dẫn khách hàng cách bảo quản và sắp xếp đồ đạc (Ảnh: AFP)
10 năm trước, Bian đã thành lập công ty dọn dẹp đồ đạc sau khi nhìn thấy khoảng trống trên thị trường dành cho những người tiêu dùng qua điện thoại.
“Họ từng nghĩ chúng tôi là người giúp việc, nhưng hiện tại họ dành cho chúng tôi rất nhiều sự tôn trọng”, Bian nói. Đối với một số khách hàng, dịch vụ sắp xếp nhà cửa đã trở nên thiết yếu.
“Chúng tôi thậm chí còn biết khách hàng có bao nhiêu đồ lót. Chúng tôi giúp cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn”.
Thương mại điện tử cũng thúc đẩy phần nào thói quen chi tiêu của khách hàng.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, số lượng hàng hóa được chuyển phát đã đạt 60 kiện/người - gấp đôi mức trung bình trên toàn thế giới.
Theo Liu Wenjing - giảng viên đến từ Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), thương mại điện tử đã tạo nên văn hóa “mua hàng online mọi lúc mọi nơi”.
Tuy nhiên, Bian cho rằng vấn đề không nằm ở thói quen mua sắm quá tay hay tâm lý chi tiêu. Điều khiến người tiêu dùng đau đầu là chuyện tìm nơi nào để chứa hàng hóa đã mua tại thành phố đông dân bậc nhất Trung Quốc này.
“Mục tiêu của chúng tôi là sắp xếp không gian thích hợp, chứ không thay đổi con người” cô nói./.
Tin nổi bật
Tin Video