Giải trí

Kpop và tham vọng viết lại lịch sử âm nhạc toàn cầu

Dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Nhưng những công ty giải trí xứ kim chi có nhiều cách để khắc phục khó khăn.

22/02/2021 14:48

Kpop đã phát triển thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và các nghệ sĩ Hàn Quốc trở thành những cái tên nổi tiếng toàn cầu, được người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới ủng hộ.

Các công ty giải trí đang khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, thậm chí phát triển quy mô kinh doanh. Họ mở rộng nền tảng có trả phí, thực hiện concert online, hợp tác với những đối tác lớn hơn ở các quốc gia và ngành công nghiệp khác, thậm chí bắt tay cùng đối thủ.

Thúc đẩy Kpop trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu

Big Hit Entertainment - công ty giải trí đứng sau nhóm nhạc toàn cầu BTS - mua lại hàng loạt công ty giải trí nhỏ hơn trong 2 năm qua để mở rộng danh mục nghệ sĩ. Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán chính của Hàn Quốc KOSPI vào tháng 10/2020.

Ba tháng sau, Big Hit ký một loạt thỏa thuận với những “gã khổng lồ” trong ngành, như Naver - nhà điều hành cổng thông tin lớn nhất Hàn Quốc - và Universal Music Group (UMG). Công ty cũng củng cố mối quan hệ với YG Entertainment, một "cường quốc" Kpop khác, đứng sau nhóm nhạc nữ đình đám BlackPink.

Kpop và tham vọng viết lại lịch sử âm nhạc toàn cầu - Ảnh 1.

BTS thu về hơn 1.000 tỷ đồng nhờ concert online

Vào cuối tháng 1, công ty con của Big Hit, beNX đã mua lại một nền tảng phát trực tuyến phổ biến do Naver phát triển. Trong khi đó, Naver đảm bảo 49% cổ phần trong công ty con của Big Hit cùng thỏa thuận cung cấp quyền truy cập vào nền tảng khổng lồ có 35 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Bên lề thỏa thuận, Big Hit cũng bắt tay với YG Entertainment. Hai công ty cùng củng cố mạng lưới ngành và sở hữu trí tuệ (IP) cũng như các hoạt động kinh doanh buôn bán.

Các thương vụ không kết thúc ở đó. Big Hit, YG và UMG đã ký một thỏa thuận đa phương về việc phát triển KBYK Live - một liên doanh được thành lập bởi Big Hit và nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến Kiswe của Mỹ.

Vài ngày sau, các giám đốc điều hành hàng đầu của Big Hit và UMG đã công bố mối quan hệ hợp tác chiến lược để ra mắt nhóm nhạc nam mới tại Mỹ. Ngược lại, nhiều nghệ sĩ UMG tham gia nền tảng dành riêng cho cộng đồng người hâm mộ của Big Hit là Weverse.

Kpop và tham vọng viết lại lịch sử âm nhạc toàn cầu - Ảnh 2.

Công ty của BTS và BlackPink lớn mạnh hơn khi hợp tác cùng nhau

"Hai công ty của chúng tôi chia sẻ các giá trị và tầm nhìn. Chúng tôi đều theo đuổi những đổi mới không ngừng và cam kết cung cấp cho người hâm mộ âm nhạc, nội dung chân thực với chất lượng cao nhất", người sáng lập Big Hit kiêm Giám đốc Bang Si-hyuk cho biết. "Tôi tin UMG và Big Hit tạo nên sức mạnh tổng hợp để viết lại lịch sử âm nhạc toàn cầu”, Bang Si Hyuk nói.

Chủ tịch UMG, Sir Lucian Grainge cũng bày tỏ hy vọng về sự hợp tác này. Ông nói: "Chúng tôi rất vui mừng khi được làm việc cùng nhau và khởi động một liên doanh mới giữa các công ty. Mục đích của chúng tôi là đẩy mạnh hơn nữa để Kpop trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu".

Chiến thuật phát triển giữa đại dịch

Các nhà phân tích và chuyên gia cho biết yếu tố khiến những thương vụ kể trên có thể thành công là sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Big Hit trong cộng đồng người hâm mộ. BTS từ một nhóm nhạc gồm 7 thành viên, ít tiếng tăm đã phát triển thành hiện tượng toàn cầu.

"Để thu hút BTS, Naver đã nhượng bộ và mua cổ phần trong công ty điều hành Weverse", nhà phân tích Ji In Hae của Hanhwa Investment Securities giải thích với The Korea Times.

Kpop và tham vọng viết lại lịch sử âm nhạc toàn cầu - Ảnh 3.

TWICE và nhiều nhóm nhạc vẫn đạt doanh thu lớn nhờ concert online hay nền tảng có trả phí

Weverse phát triển lớn mạnh sau thời gian ngắn ra mắt với sự tham gia của 16 nghệ sĩ Hàn Quốc và nước ngoài, bao gồm những tên tuổi lớn như BTS, CL, Seventeen và Gracie Abrams… Đây là ứng dụng chuyên bán vé độc quyền cho các chương trình trực tuyến và nhiều sản phẩm, hàng hóa của những nghệ sĩ nói trên.

Ngoài ra để nghệ sĩ và người hâm mộ giao tiếp, Weverse bán nhiều nội dung trả phí. Vì thế, nền tảng này khiến các nhà đầu tư hào hứng về tiềm năng thương mại.

Ngoài Big Hit, các ông lớn Kpop như SM Entertainment, JYP Entertainment và YG cũng đang mở đường để xây dựng nền tảng của riêng họ hoặc hợp tác với nhau để có được cổ phần lớn hơn trong ngành công nghiệp đang phát triển mạnh.

Vào đỉnh điểm của đợt bùng phát Covid-19, khi các buổi hòa nhạc bị hủy hoặc hoãn do giãn cách xã hội, SM và Naver đã tung ra thương hiệu buổi hòa nhạc ảo "Beyond Live".

Tháng 8/2020, SM và JYP thông báo hợp tác ra mắt Beyond Live Corp. (BLC), một công ty chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc ảo. Một tháng trước thông báo, nhóm nhạc nữ TWICE tổ chức thành công buổi hòa nhạc và thu hút hơn 100.000 người xem.

Các công ty này cũng đưa ra những ứng dụng riêng để kinh doanh giữa thời điểm thị trường khó khăn vì dịch bệnh. SM Entertainment điều hành cộng đồng người hâm mộ trên di động mang tên Lysn. Tại đây, người hâm mộ có thể giữ liên lạc với nghệ sĩ yêu thích của họ.

Tương tự, JYP phát hành ứng dụng riêng có tên là "bubble for JYPnation", cho phép những người đăng ký trả từ 3,49-40,99 USD để tham gia cuộc trò chuyện cá nhân với các nghệ sĩ trực thuộc công ty.

Ý kiến của bạn