Tin tức

Kinh tế Philippines sẽ mất ít nhất 10 năm để phục hồi sau đại dịch

(VOVTV) - Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Kinh tế Philippines, nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này sẽ mất hơn một thập kỷ để trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Tác giả Hương Trà / VOV Jakarta
02/10/2021 12:06

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kế hoạch và Kinh tế Philippines, ông Karl Kendrick Chua cho rằng, các cuộc phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã khiến nền kinh tế của Philippines bị tàn phá, hàng triệu người mất việc làm và nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói.

Theo Bộ trưởng Karl, tổng chi phí Philippines phải chi trả do hậu quả của Covid-19 sẽ lên tới 41,4 nghìn tỷ Peso (tương đương 810 tỷ USD). Con số này cao gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội của Philippines vào năm 2020, mà Ngân hàng Thế giới ước tính là 361,5 tỷ USD.

Kinh tế Philippines sẽ mất ít nhất 10 năm để phục hồi sau đại dịch - Ảnh 1.

Biểu đồ GDP của Philippines. Nguồn: PSA

Bộ trưởng Philippines cho rằng, những tổn thất có thể được cảm nhận trong vòng từ 10 đến 40 năm tới và các thế hệ tiếp theo của Philippines sẽ phải gánh chịu hậu quả này. Các nguồn thu từ tiêu dùng, đầu tư và thuế sẽ khó phục hồi khi các quy tắc về giãn cách xã hội ngăn cản các lĩnh vực chính, chẳng hạn như du lịch và nhà hàng, khôi phục hoạt động trở lại hoàn toàn. Bệnh tật, tử vong, gián đoạn học tập cũng có khả năng gây ảnh hưởng “vĩnh viễn” đến tương lai Philippines.

Bộ Kế hoạch và Kinh tế Philippines dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4% - 5% trong năm nay, so với mức giảm kỷ lục 9,6% vào năm 2020. Nhưng Bộ này cho rằng, sẽ mất 10 năm để đất nước này trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, trung bình là 6,4%. Hiện nay, gần 70% nền kinh tế, bao gồm 23,3 triệu lao động Philippines vẫn bị hạn chế do các lệnh "kiểm dịch cao độ".

Kể từ đầu đại dịch, Philippines đã ghi nhận hơn 2,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 38.000 ca tử vong. Chỉ hơn một phần tư dân số trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng liên tục bị trì hoãn và chậm chạp do thiếu nguồn cung vaccine Covid-19.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn