Kinh lá buông: “Báu vật” của đồng bào Khmer Nam Bộ
Kinh lá buông có vai trò đặc biệt với văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tài liệu thường được xuất bản trên những vật liệu tiên tiến hơn, khiến kinh lá buông dần bị lãng quên. Bảo tồn, gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo này đang là vấn đề cấp bách.
Di sản văn hóa đặc sắc
Hiện nay, chưa có tài liệu nào chứng minh chính xác thời điểm lá buông được sử dụng để viết. Tuy nhiên, một số bằng chứng khảo cổ học lâu đời nhất về các bản thảo lá buông cho thấy, loại vật liệu đặc biệt này đã có ít nhất từ thế kỷ thứ 2 SCN ở Ấn Ðộ.
Tại Nam Bộ, sự xuất hiện của kinh lá buông được ghi nhận vào giữa thế kỷ XIX, sử dụng trong việc nghiên cứu, giảng kinh và học tập của chư tăng. Kinh lá buông có 4 loại: kinh Phật; truyện cổ dân gian; hội hè, trò chơi dân gian; bài giáo huấn dân gian.
Sư Thạch Dương Trung (chùa Moni Serey Sophol Cosdon, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, mỗi dân tộc có một lối viết chữ riêng, có những loại “sách” riêng và người Khmer chọn lá buông để viết chữ. Lá buông là lá của loại cây giống như cây thốt nốt. Ngày xưa, cây mọc bạt ngàn khắp miệt sông Tiền, sông Hậu, vùng đất Tri Tôn, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang.
Lá buông có chất lượng tốt nên dùng làm giấy ít rách nát, hư mục. Ðể những tấm lá buông được gìn giữ lâu, đầu tiên người ta chọn những đọt lá tốt, lấy dây quấn đọt cây, hãm không cho lá mở. Khoảng 1 năm sau mới chặt lá về, dùng miếng gỗ khoảng 6x60cm kẹp vào rồi cắt theo cỡ tấm ván, phơi cho khô, cắt thành hình chữ nhật, ép cho phẳng, sắp thành từng xấp và đó là những tập giấy lá.
Có giấy rồi, tiến hành viết chữ lên lá. Nghệ nhân dùng cây viết có ngòi bằng kim loại đầu nhọn chạm từ từ lên lá đã được phơi khô, khắc chạm phải đều tay. Người khắc chữ phải khéo léo, tỉ mỉ, phải biết rõ đường nét của chữ để không bị viết lệch ra ngoài, vì chỉ sai một nét là phải bỏ đi lá đó, không thể sửa lại được.
Theo các vị sư, trước đây, muốn khắc chạm được một bộ kinh lá, nghệ nhân phải tìm không gian yên tĩnh, tập trung cao độ và phải ở nơi đó cho đến khi hoàn thành. Do đó, nghệ nhân viết kinh lá trước đây thường là các vị sư, vì chỉ các vị sư mới đạt trạng thái thiền định cao. Viết xong, người ta lấy bồ hóng trộn với dầu xoa lên, chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên.
Cứ thế, viết hết trang giấy lá này sang trang giấy lá tiếp theo, cho tới khi viết hết tài liệu thì xỏ lỗ “đóng” các trang viết thành một tập sách có bìa gỗ. Ðể tăng độ bền, nhất là làm cho sách đẹp, quý giá, người ta lấy dung dịch nước bột vàng phủ lên gáy sách, bìa sách.
Từ sự kỳ công để hoàn thành một bộ kinh lá buông, ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định công bố danh mục 11 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có tri thức và kỹ thuật viết chữ trên kinh lá buông của người Khmer thuộc loại hình tri thức dân gian tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Cần có giải pháp bảo tồn
Kinh lá buông tuy là một bản thảo viết trên lá nhưng chứa đựng nội dung khoa học về giáo lý tôn giáo, triết học, kiến trúc, thiên văn học... Kinh lá buông ghi lại mọi khía cạnh về đời sống xã hội, văn hóa và tôn giáo của dân tộc Khmer.
Trước đây, vào các ngày lễ lớn của đồng bào Khmer như: Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Dolta... các nhà sư đem kinh trên lá buông ra tụng hay thuyết pháp cho phật tử nghe, vì phật tử tin rằng các bản kinh được ghi trên lá buông là đúng với lời Phật dạy. Do đó, bảo tồn kinh lá buông cũng chính là bảo tồn một nền giáo dục truyền thống trên nền tảng giáo dục đạo đức của đạo Phật.
Sư Thạch Dương Trung (chùa Moni Serey Sophol Cosdon, tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, tài liệu lá buông hiện nay không được sử dụng rộng rãi trong việc học tập và nghiên cứu kinh pháp của đức Phật. Ðây cũng là điều hiển nhiên khi các loại tài liệu, sách vở được xuất bản phong phú, mẫu chữ dễ đọc thay thế cho loại tài liệu này.
Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều chùa phải chịu thiệt hại do bị bom đạn tàn phá, các tài liệu trong chùa hầu như bị mất hết. Do đó, những cuốn kinh Phật viết trên lá buông hiện nay còn rất ít, chỉ có những chùa lớn, lâu đời mới lưu giữ được.
Càng lo lắng hơn khi cả nước chỉ còn duy nhất một địa điểm tìm thấy nghệ nhân khắc chữ trên lá buông là Hòa thượng Chau Ty ở xã Núi Tô (huyện Tri Tôn). Hiện ông đang hướng dẫn một số học trò nối nghiệp khắc chữ trên lá buông, một loại hình ấn bản và là nghệ thuật đang trên đà mai một dần.
Theo quý sư sãi tại khu vực ÐBSCL, để bảo tồn kinh lá buông, trước hết phải bảo vệ, gìn giữ và sưu tầm các bản kinh trên lá buông còn lại tại các chùa. Ðồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư và các vị sư ở các chùa.
“Theo chúng tôi được biết, hiện chỉ còn Hòa thượng Chau Ty có thể viết kinh trên lá buông. Do đó, trong tương lai, các trường Phật học Nam tông Khmer nên xây dựng chương trình dạy môn đọc và khắc chữ trên kinh lá buông với mong muốn phục hồi lại nghệ thuật khắc chữ cũng như đào tạo thêm thế hệ sư sãi có thể đọc mẫu tự Khmer cổ nhằm phục vụ việc nghiên cứu sâu rộng các tài liệu cổ, đặc biệt các tài liệu ghi chép trên kinh lá buông” - sư Thạch Dương Trung đề xuất.
Sư Kim Chane Tha, học viên Cao học ngành Văn hóa học, Trường Ðại học Trà Vinh, cho rằng: Cần số hóa dữ liệu kinh lá buông. Việc làm này nhằm lưu lại được tất cả các kinh lá buông hiện còn được lưu giữ tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Từ đó, có thể dễ dàng nghiên cứu về ý nghĩa của văn bản được khắc chạm trên lá buông. Nếu như kinh lá buông không được cất giữ cẩn thẩn, thậm chí dù có được cất giữ cẩn thận đi nữa, loại kinh lá này cũng không thể chống chọi với thời gian.
Do đó, việc cần thiết nhất là phải lưu lại các dòng chữ được viết trên kinh lá buông, sau đó có thể tiến hành nghiên cứu về phần ý nghĩa, đó chính là phần giá trị phi vật thể của kinh lá buông.
“Ngoài ra, cần đào tạo nghệ nhân khắc chữ trên lá buông, đây có thể xem là một cách giữ gìn lĩnh vực nghệ thuật chạm khắc trên lá của người Khmer. Song song với việc truyền dạy kỹ thuật khắc chạm trên lá buông, cần phải tính đến việc giảng dạy đọc chữ trên tài liệu lá buông cổ. Nếu đọc được tài liệu ghi chép trên lá buông, có thể thu lại rất nhiều vốn tri thức của người Khmer, nhằm nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn các đặc trưng văn hóa Khmer thời kỳ trước. Công tác truyền dạy cách đọc chữ trên lá buông có thể thực hiện dễ dàng hơn, vì dù là văn phong có phần khác so với văn phong hiện tại nhưng những người đã biết chữ Khmer có thể học được cách đọc chữ chép trên lá buông” - sư Kim Chane Tha nói.
Hiện nay, những bản kinh lá buông đang được giữ tại các chùa là di sản vô giá của đồng bào Khmer nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Ngoài ra, những giá trị về mặt giáo dục đạo đức, lối sống, cách đối nhân xử thế, cách giữ các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng đã được lưu giữ trong các cuốn kinh lá buông là những giá trị văn hóa phi vật thể cần được lưu truyền.
Tin nổi bật
Tin Video