Kinh doanh mặt bằng cho thuê trầm lắng sau giãn cách xã hội
(VOVTV) - Tại TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều ngành hàng kinh doanh bán lẻ đã chuyển hướng để phát triển phù hợp hơn. Mặt bằng kinh doanh đăng biển cho thuê hoặc sang nhượng tăng lên, tuy nhiên nhu cầu tìm kiếm mặt bằng mới lại giảm sút trong những tháng cuối năm.
Khi TP.HCM quy định các cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang đi và qua đặt hàng trên các ứng dụng trực tuyến, nhiều hộ kinh doanh đã chủ động chuyển hướng để tiết giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu trước đây, những vị trí mặt tiền đẹp, sầm uất luôn đứng đầu danh sách lựa chọn, thì nay, những con hẻm có kết nối giao thông thuận tiện và đông dân cư đang được khách hàng tìm thuê.
Chị Lâm Thanh Tâm, chủ một quán xôi trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận cho biết, đang tìm kiếm một mặt bằng phù hợp để phát triển kinh doanh online, trong thời điểm nhiều chủ nhà sẵn sàng hỗ trợ người thuê.
"Tôi tìm mặt bằng ở những hẻm xe hơi có thể vào được, bề ngang trên 6m, nơi tập trung đông dân cư, công ty, văn phòng. Tôi thấy hiện nay có khá nhiều mặt bằng đẹp bỏ trống và chủ nhà sẵn sàng giảm từ 30%-50% giá thuê đến hết năm 2021. Sang năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ đàm phán giá lại", chị Tâm cho biết thêm.
Theo ghi nhận, trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM như Đồng Khởi, Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1), Điện Biên Phủ (Quận 3), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)... xuất hiện không ít những tấm biển cho thuê, sang nhượng cửa hàng. Mặt bằng nhỏ với bề ngang từ 4m đến 5m cho thuê ở mức 40 triệu đến 50 triệu một tháng; cửa hàng lớn bề ngang 8m đến 10m, góc 2 mặt tiền hoặc gần ngã ba, ngã tư được chào thuê với giá từ 100 triệu đến 200 triệu. Nhiều website bất động sản và hội nhóm trên mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Trong 3 tháng qua, nhiều chủ mặt bằng đã chủ động giảm từ 20% đến 50% giá thuê hoặc cho khách trả chậm, thu tiền theo tháng, thay vì phải thanh toán 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm như trước đây. Với các mặt bằng cho thuê mới, các chủ nhà tỏ ra khá thận trọng quá trình tìm kiếm khách thuê.
Chị Hà Thị Thúy Hường, chủ 5 mặt bằng cho thuê kinh doanh có diện tích trên 40m2 tại Quận 1 và quận Bình Thạnh chia sẻ, bên cạnh hỗ trợ giá thuê đến khi dịch bệnh được kiểm soát, chị ưu tiên khách thuê có nguồn tài chính tốt để có thể gắn bó lâu dài.
Chị Hường chia sẻ thêm: "Nhu cầu thuê thì khách đều muốn được giảm giá. Tôi thấy khách có khả năng, kinh nghiệm, kinh doanh hay có vốn để cầm cự, vì khi thuê mặt bằng thì khách phải xác định có vốn để vượt qua khó khăn do dịch bệnh, vì bây giờ kinh doanh thì khách khứa sẽ không được đông như trước".
Theo một số nhà môi giới bất động sản hoạt động lâu năm tại TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều khách hàng sẽ chọn mặt bằng có chi phí thấp và vừa phải để kết hợp kinh doanh trực tuyến, do đó mặt bằng có giá thuê từ 200 triệu đồng rất khó tìm được khách thuê. Hiện nhu cầu thuê mặt bằng chỉ tăng nhẹ trong một tuần gần đây từ khi TP có chỉ thị 18, trong đó cho phép nới lỏng hoạt động bán lẻ, đặc biệt ở các quận trung tâm và tuyến phố sầm uất.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, một người môi giới nhà đất cho biết, nhiều chủ nhà sẵn sàng hỗ trợ giảm 10%-20% hợp đồng thuê trong năm đầu tiên với khách mới. Hầu hết hợp đồng cho thuê đều bổ sung thêm điều kiện trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh, chi phí thuê sẽ giảm từ 30%-50% hoặc miễn phí nếu các hoạt động kinh doanh phải đóng cửa, tùy theo thương lượng. Tuy nhiên, anh Trọng Nghĩa cho rằng do nhu cầu giảm, thị trường kinh doanh mặt bằng cho thuê đến cuối năm sẽ chưa thể khởi sắc.
"Nhu cầu thuê rất chậm so với những năm trước và tùy lĩnh vực, như bán lẻ điện thoại, điện máy hoặc những tiệm tóc sẽ sôi động hơn. Còn đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, ăn uống thì chi phí thuê cửa hàng so với việc bán mang về thì không thể kham nổi. Do đó, khách ưu tiên là bán tại nhà hoặc thuê cửa hàng nhỏ với chi phí thấp hơn", anh Nghĩa nói.
Theo đánh giá của Công ty môi giới và tư vấn đầu tư bất động sản (CBRE) Việt Nam, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. "Làn sóng" trả mặt bằng kinh doanh xảy ra phổ biến ở các nhà phố, do nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ không đủ tiềm lực duy trì hoạt động dài hạn.
Bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng Bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, việc mở rộng ngành bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của khách hàng trong nước. Xu hướng sắp tới sẽ tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh hàng thiết yếu, có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc... Do đó, khách hàng sẽ chọn mặt bằng diện tích phù hợp, có giá thuê thấp và đáp ứng tốt cho thương mại điện tử.
Bà Võ Thị Phương Mai nói: "Nhu cầu mặt bằng tập trung khu vực trung tâm chắc chắn là ít rồi, sẽ phải tản ra khu vực xung quanh. Khu vực ở trung tâm, nhiều thương hiệu muốn đầu tư nhưng cũng không chịu nổi chi phí do mặt bằng sang nhượng có giá thuê vẫn rất cao. Đối với mặt hàng cao cấp thì chủ đầu tư tập trung thuê kinh doanh ở các trung tâm thương mại. Sang năm 2022, nhu cầu mở rộng liên quan đến mặt bằng sẽ giảm đi khá nhiều".
Kinh doanh mặt bằng cho thuê tại TP.HCM thời điểm này chưa có dấu hiệu phục hồi. Sau các đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển hướng tập trung phát triển việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, giảm chi phí dành cho các cửa hàng bán hàng trực tiếp. Nhu cầu tìm kiếm mặt bằng thuê mới được dự báo giảm trong cuối năm và có khả năng kéo dài qua năm 2022.
Tin nổi bật
Tin Video