Kiên trì hiện thực hóa giấc mơ
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, điện ảnh được xác định là ngành giàu tiềm năng và có nhiều cơ hội bứt phá. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường điện ảnh trong nước những năm gần đây chứng tỏ điều này. Nhưng làm thế nào để điện ảnh Việt tạo dấu ấn đậm nét, có giá trị thương mại quốc tế cao vẫn là giấc mơ mà những người tâm huyết đang kiên trì để hiện thực hóa.
Dấu ấn đáng kể
Mới đây, một số trang thông tin điện ảnh quốc tế đăng tải thông tin cho biết, bộ phim Vệ sĩ Sài Gòn (Saigon Bodyguards) sẽ được hãng phim nổi tiếng của Hollywood là Universal làm lại. Phiên bản làm lại có sự tham gia của một loạt tên tuổi nổi danh như hai ngôi sao phim hành động Chris Pratt và Ngô Kinh, nhà sản xuất là anh em nhà Russo - đạo diễn phim Marvel...
Thông tin trên khiến nhiều người cảm thấy phấn chấn. Vệ sĩ Sài Gòn ra mắt năm 2016, kể về hai vệ sĩ chuyên nghiệp vừa là đồng nghiệp vừa là bạn thân. Dù là phim hành động hài có yếu tố nước ngoài (đạo diễn người Nhật Ken Ochiai trong vai trò đạo diễn và đồng biên kịch với Michael Thai) song Vệ sĩ Sài Gòn vẫn là sản phẩm của điện ảnh Việt.
Chúng ta từng nói nhiều về phim làm lại (remake). Rất nhiều bộ phim có doanh thu cao, lên tới hàng chục tỷ, thậm chí trên trăm tỷ đồng là phim được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Đây là xu hướng khó cưỡng trong nền điện ảnh hội nhập toàn cầu, cũng là cách để giải quyết bài toán thiếu kịch bản hay. Tuy nhiên, yếu tố bản sắc trong những bộ phim làm lại cũng như tính sáng tạo là điều mà người hâm mộ nghi ngại. Ở một số thời điểm, phim làm lại đã bị gạt ra khỏi các giải thưởng điện ảnh trong nước. Việc làm lại quá nhiều kịch bản nước ngoài dẫn đến câu hỏi: Bao giờ điện ảnh Việt Nam “xuất khẩu” được kịch bản?
Trong bối cảnh đó, việc hãng phim danh tiếng chọn làm lại một bộ phim Việt, lại là phim hành động - hài, sở trường của Hollywood, đã mang lại sự bất ngờ và niềm vui không nhỏ. Đây chắc chắn là dấu ấn đáng kể của điện ảnh Việt.
Quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”
Vẫn biết đó mới chỉ là thành công ban đầu nhưng việc Hollywood làm lại kịch bản phim Việt gợi mở hướng đi mới và là nguồn động viên mạnh mẽ giúp các nhà biên kịch, sản xuất phim trong nước mạnh dạn giới thiệu tác phẩm ra thế giới.
Trước khi được Hollywood mua kịch bản, Vệ sĩ Sài Gòn đã được phát hành ở gần 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand... Năm 2017, theo ê kíp sản xuất phim Em chưa 18, kịch bản phim này đã được Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ mua để làm lại sau khi phim được chiếu tại các nước này. Việc phát hành phim ra nước ngoài là xu hướng được các nhà sản xuất trong nước theo đuổi từ nhiều năm nay. Và hầu hết những bộ phim đình đám trong nước đều đã được mua, chiếu ở thị trường nước ngoài. Chẳng hạn như Hai Phượng, tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được công chiếu cùng lúc tại Việt Nam và Mỹ, chứng tỏ nhà sản xuất đã có tính toán bước đi rất kỹ ngay từ khi làm phim. Bộ phim được chào bán tới các nhà phát hành phim tại Mỹ và nhận được sự hợp tác của hai công ty là Well Go USA và Arclight Films. Bộ phim Lật mặt: Nhà có khách của đạo diễn Lý Hải cũng được phát hành tại Mỹ và Australia chỉ 1 tuần sau khi ra mắt ở Việt Nam...
Như vậy, bên cạnh dòng phim nghệ thuật thường được giới thiệu tại các liên hoan phim (LHP), các nhà làm phim thương mại cũng đang tìm thị trường tiềm năng để giới thiệu tác phẩm. Dĩ nhiên, như nhà sản xuất Minh Hà từng chia sẻ: Để được công chiếu tại các thị trường lớn như Mỹ, phim phải vượt qua những đợt đánh giá rất gắt gao theo tiêu chuẩn điện ảnh quốc tế, từ yêu cầu câu chuyện cô đọng, không dài dòng nhưng vẫn phải đầy đủ kịch tính, cao trào và có chiều sâu đến các khâu hậu kỳ như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc, cảnh quay... Đây là điều mà các nhà làm phim trong nước phải tính đến khi quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”.
Phát triển trên nền tảng vững chắc
Trong báo cáo “Thực trạng LHP Việt Nam” được công bố vào tháng 7-2020, Cục Điện ảnh đánh giá: “Điện ảnh là một lĩnh vực mang tính quốc tế cao, hội nhập quốc tế đóng vai trò thúc đẩy và không thể thiếu trong việc phát triển nền điện ảnh quốc gia. Thông qua hội nhập quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam tăng mạnh. Kết quả là hệ thống rạp với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng tại nhiều địa phương...
Phim Việt Nam được chiếu giới thiệu và phát hành ở nước ngoài đạt được những bước tiến đáng kể. Trong 5 năm trở lại đây, ngành điện ảnh đã chủ động tổ chức và tham gia các hoạt động điện ảnh quốc tế, tạo được uy tín không chỉ trong nước, trong khu vực Đông Nam Á mà còn góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Nhiều phim Việt Nam đã giành giải thưởng quan trọng tại các LHP quốc tế, trong đó có những cái tên nổi bật như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Đập cánh giữa không trung, Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang...
Trong danh sách phim kể trên, dễ dàng nhận thấy đóng góp quan trọng của điện ảnh tư nhân, những nhà làm phim độc lập trong việc tìm kiếm cơ hội tỏa sáng ở nước ngoài. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vai trò của các hoạt động xúc tiến điện ảnh ở tầm quốc gia.
Có thể kể đến chuỗi sự kiện thường niên Tuần phim Việt Nam và các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa và quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, Tuần phim nước ngoài và các sự kiện điện ảnh quốc tế tại Việt Nam; các gian hàng của Việt Nam tại các hội chợ phim quốc tế ở Cannes đã thu hút nhiều lượt khách nước ngoài đến tham quan...; những bản ghi nhớ hợp tác, trao đổi về điện ảnh giữa Việt Nam với Ba Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc... Cùng với đó là các kỳ LHP quốc tế - được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2010, Giải thưởng phim ASEAN do Việt Nam sáng tạo và đăng cai tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XX... Theo Cục Điện ảnh, đó là những hoạt động ý nghĩa nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam phát triển với nền tảng vững chắc.
Sự chủ động của giới sáng tạo nghệ thuật đã rõ, sự vào cuộc của cơ quan quản lý cũng đã có. Đó là nền tảng cần tiếp tục phát huy để điện ảnh Việt có thể đi xa hơn, vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Tuy nhiên, nền tảng ấy chỉ thực sự trở thành bệ phóng khi có những tác phẩm thực sự xuất sắc, đủ sức cạnh tranh với thế giới điện ảnh đa sắc ngoài kia.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch:
Xây dựng một LHP uy tín sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư vào cuộc. Qua LHP, tên tuổi của Việt Nam cũng được quảng bá rộng rãi hơn. Những ngày diễn ra LHP là cơ hội của ngành Du lịch. Một khách du lịch sang Việt Nam tiêu trung bình 1.000 - 1.200 USD, nhưng một đoàn làm phim thì số tiền tiêu tăng lên rất nhiều, sức lan tỏa cũng vô cùng lớn. Chính vì vậy, chúng tôi thấy Nhà nước cần đầu tư hơn nữa để xây dựng và quảng bá thương hiệu LHP, qua đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các nguồn lực xã hội.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ:
Điện ảnh Việt Nam cần đưa được những câu chuyện của con người Việt Nam vào phim, qua đó giới thiệu hình ảnh con người, phong tục tập quán, bối cảnh xã hội... và tạo ra sự khác biệt so với thế giới. Khi chưa có kinh phí đầu tư lớn thì nên tập trung vào những câu chuyện nhỏ như vậy. Như Iran, họ có những bộ phim làm với kinh phí chỉ vài chục nghìn USD nhưng vẫn tạo ra câu chuyện riêng mang đậm dấu ấn văn hóa, xã hội Iran, giúp thế giới hiểu hơn về họ. Chúng ta nên học tập điều đó.
Tin nổi bật
Tin Video