Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 1.444 tổ chức, 2.735 cá nhân
Đối với quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề nghị xử lý 1.444 tổ chức, 2.735 cá nhân.
Sáng 24/5, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 24/5, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư …, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN gần 34.600 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 37.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy, về kiến nghị tài chính: Đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện đạt tỷ lệ 80,08%.
Về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý là 1.444 tổ chức, 2.735 cá nhân.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương liên quan thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ”, ông Tuấn nêu.
Về nội dung xử lý theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tính đến ngày 31/3/2023, đã xem xét xử lý là 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; chưa xử lý 22 tổ chức, chiếm 1,52%. Đối với kiến nghị xử lý cá nhân, tính đến ngày 31/3/2023, đã xử lý là 2.519 người, chiếm 92,1%; đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; chưa xử lý 16 người, chiếm 0,59%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chấn chỉnh, nhưng chưa được khắc phục. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp quy định Luật NSNN chậm được khắc phục.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.