Kịch bản lạc quan và tồi tệ nhất với siêu biến chủng Omicron
Omicron có thể mang tới thảm họa nhưng cũng có thể là tin tốt nếu nó chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ.
Sự xuất hiện của Omicron khiến thế giới chao đảo những ngày qua. Việc Omicron được đánh giá là biến chủng COVID-19 nguy hiểm nhất từ trước tới nay khiến nhiều chuyên gia lo ngại công sức chống dịch suốt 2 năm qua của các nước "đổ sông đổ bể".
Nhưng các nhà khoa học cho rằng còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận gì.
Theo họ, ảnh hưởng với diễn biến của đại dịch sẽ được quyết định bởi 3 yếu tố: Khả năng lây nhiễm của nó, khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ miễn dịch và mức độ gây bệnh.
Nếu Omicron dễ lây lan giữa các vật chủ, dễ dàng vô hiệu hóa các kháng thể trung hòa và gây ra các biến chứng nguy hiểm bất thường, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn.
Nhưng nếu biến chủng này chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ dù siêu lây nhiễm, đó có thể là một thông tin tích cực.
Các bác sỹ tới từ Nam Phi và Israel cho biết các ca nhiễm Omicron dường như bớt nghiêm trọng hơn so với các trường hợp mắc chủng Delta.
Chưa có ca bệnh nặng hoặc trường hợp tử vong nào trong số 60 bệnh nhân nhiễm Omicron ở châu Âu.
Nhưng các dữ liệu hiện nay vẫn còn rất hạn chế.
Hiện tại, có khoảng 250 ca nhiễm Omicron được ghi nhận trên thế giới, phần lớn đến từ Nam Phi - quốc gia có dân số trẻ hơn mức trung bình và ít có nguy cơ phát triển các biến chứng phức tạp.
Nếu Omicron tiếp tục các dấu hiệu cho thấy nó gây ra các triệu chứng nhẹ hơn Delta, đó là tin tốt. Cộng thêm vào đó, nếu Omicron lây lan nhanh hơn Delta, đó sẽ là một kịch bản lý tưởng.
Theo ông Samuel Scarpino, thành viên Viện Phòng chống đại dịch của Quỹ Rockefeller, khi cả 2 biến chủng cùng lưu hành, biến chủng nào lây lan nhanh hơn sẽ có xu hướng trở thành chủng thống trị.
Không rõ vaccine có hiệu quả ra sao trước Omicron. Nhưng một số nhà khoa học lưu ý trong trường hợp Omicron có thể né vaccine nhưng gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn, đó không phải là một thông tin tiêu cực.
Chuyên gia Tara Kirk Sell từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins đánh giá nếu Omicron dễ lây truyền hơn Delta nhưng ít độc lực hơn, thế giới sẽ lại tiếp tục quay lại cuộc sống với các quy định về khẩu trang và giãn cách xã hội như trước đây.
Trong khi đó, bà Elizabeth Halloran, nhà thống kê sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson nhận định trong trường hợp Omicron ít lây nhiễm hơn Delta và vật lộn trong việc vượt qua hàng rào miễn dịch, kịch bản cách đây 2 tuần sẽ tiếp diễn: các nước tiếp tục gồng mình đối phó với Delta và hy vọng đại dịch sớm kết thúc.
"Về mặt nào đó thì Delta vẫn là một biến chủng "lý tưởng". Nó đủ khả năng lây truyền để thống trị các biến thể nguy hiểm hơn và độc lực của nó có thể được kiểm soát thông qua tiêm chủng", ông Scarpino đánh giá.
Chuyên gia này tin rằng câu hỏi về ảnh hưởng của Omicron với diễn biến đại dịch sẽ sớm có lời giải trong vài tuần tới.
Tin nổi bật
Tin Video