Khủng hoảng Nga-Ukraine: Phương Tây trừng phạt chưa từng có
(VOVTV) - Sáng sớm 24/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine. Phản ứng trước hành động của Nga, Mỹ, Anh, EU đã ban hành lệnh trừng phạt.
Mỹ: Tổng giá trị tài sản ngân hàng bị trừng phạt lên tới 1 nghìn tỷ đôla
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Nga sẽ phải hứng chịu những hậu quả của việc Tổng thống Vladimir Putin lựa chọn hành động quân sự đối với Ukraine.
Tổng thống Joe Biden cho biết: “Ngày hôm nay tôi đã cho phép các lệnh trừng phạt bổ sung và những giới hạn mới về xuất khẩu sang Nga. Điều này sẽ áp đặt thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga tức thì và về sau này. Các biện pháp trừng phạt này nhằm tối đa hóa tác động lâu dài đối với Nga và giảm tối thiểu ảnh hưởng đối với Mỹ và các đồng minh.
Tôi muốn làm rõ rằng Mỹ không làm điều này một mình. Chúng tôi đã xây dựng một liên minh đối tác đại diện hơn một nửa kinh tế toàn cầu. 27 thành viên EU bao gồm Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand và nhiều nước khác cùng nhau mở rộng tác động của biện pháp ứng phó chung đối với Nga”.
Các lệnh trừng phạt Tổng thống Biden công bố bao gồm hạn chế giao dịch của Nga bằng đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh, đồng Euro và đồng Yên khi tham gia nền kinh tế toàn cầu, ngăn khả năng cung cấp tài chính và hoạt động phát triển của quân đội Nga, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nga trong nền kinh tế công nghệ cao.
Tổng thống Biden cũng công bố các lệnh trừng phạt mới đối với 4 ngân hàng lớn của Nga bao gồm VTB và SberBank cũng như một số thành viên trong giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình họ.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ áp đặt hạn chế đối với các khoản nợ công của Nga cho các doanh nghiệp nhà nước với tài sản trị giá lên tới hơn 1.400 tỷ USD. Tổng thống Biden cho biết Mỹ và các đối tác và đồng minh sẽ cắt giảm hơn một nửa nhập khẩu công nghệ công cao của Nga nhằm ngăn cản nước này tiếp tục hiện đại hóa quân đội.
EU: Cấm doanh nghiệp nhà nước Nga tham gia hoạt động tài chính với châu Âu
Đêm 24/2 theo giờ Brussels, tại Hội nghị Thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua một gói trừng phạt đối với Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất.
Các biện pháp trừng phạt này liên quan tới lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và thương mại, cũng như việc đình chỉ du lịch miễn thị thực tới châu Âu đối với các nhà ngoại giao Nga. Gói biện pháp cũng đề xuất việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân Nga và Belarus có liên quan đến việc chuẩn bị chiến dịch quân sự hiện nay của Nga tại Ukraine, chẳng hạn như các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.
Có nhiều biện pháp trừng phạt Nga được đề xuất trong lĩnh vực tài chính, chẳng hạn như cấm các doanh nghiệp nhà nước của Nga thực hiện các hoạt động tài chính với EU hoặc cấm giới tinh hoa của Nga gửi các khoản tiền gửi ngân hàng mới trên 100.000 euro.
Trong lĩnh vực vận tải, Ủy ban châu Âu đề xuất “lệnh cấm xuất khẩu, bán, cung cấp hoặc chuyển giao tất cả máy bay, bộ phận và thiết bị máy bay cho Nga cũng như tất cả các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và tài chính liên quan. Các biện pháp này cũng bao gồm việc cho thuê máy bay và các dịch vụ tương tự ”.
Sau khi được lãnh đạo các nước thành viên EU thông qua, gói trừng phạt này sẽ được chuyển thành các văn bản pháp lý, dự kiến sẽ được các ngoại trưởng EU chính thức thông qua vào ngày 25/2.
Anh: Gói trừng phạt lớn chưa từng thấy
Chiều ngày 24/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố gói trừng phạt mà ông đánh giá là “lớn chưa từng thấy”, áp dụng nhằm vào Nga với mục đích đáp trả hành động quân sự của Nga tại Ukraine.
Trọng tâm của gói trừng phạt 10 điểm mà Thủ tướng Anh Boris Johnson trình bày trước các nghị sĩ Hạ viện Anh chiều ngày 24/2 là việc cắt đứt hầu như toàn bộ các kênh huy động vốn của các ngân hàng Nga trên thị trường tài chính London.
Một loạt các ngân hàng Nga, trong đó có cả ngân hàng lớn thứ hai của Nga là VTB cũng sẽ bị đóng băng tài sản trên đất Anh. Tiếp đến, các công ty lớn của Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như Rostec, Uralvagonzavod và 3 công ty trong lĩnh vực chế tạo tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu chiến Nga cũng bị trừng phạt.
Hơn 100 cá nhân và thực thể khác, trong đó có một số nhà tài phiệt, chủ ngân hàng Nga cũng nằm trong danh sách bị đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào Anh. Hãng hàng không lớn nhất của Nga là Aeroflot cũng bị Anh cấm bay vào lãnh thổ Anh. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng ra lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga.
Australia: Gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt
Australia cho biết, vào ngày 25/2 sẽ ban hành lệnh trừng phạt về đi lại và tài chính nhằm vào 8 thành viên Hội đồng an ninh quốc gia Nga, một số ngân hàng của nước này cũng như trừng phạt đối với các ngành kinh tế chủ chốt như năng lượng, viễn thông, giao thông, dầu khí, và khoáng sản ở hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk mà Nga vừa công nhận độc lập. Sau đó, gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt.
Cụ thể, đối tượng phải chịu lệnh trừng phạt sẽ được mở rộng thêm 25 đối tượng gồm sang các tướng lĩnh quân đội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga và những người phải chịu trách nhiệm về vụ việc này cùng với 4 thực thể liên quan đến việc phát triển và bán công nghệ và vũ khí quân sự.
Tin nổi bật
Tin Video