Khủng hoảng năng lượng, châu Âu tự biến mình thành 'con tin'?
Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng châu Âu hiện đã tự biến mình thành con tin của Nga về nguồn cung năng lượng.
Sau khi Nga đề nghị hỗ trợ châu Âu và tăng nguồn cung khí đốt sang khu vực này giữa lúc giá cả của mặt hàng này leo thang, các chuyên gia cho rằng, một thực tế đã ngày càng trở nên rõ ràng là: Châu Âu hiện phải phụ thuộc lớn vào Nga về vấn đề năng lượng như Mỹ đã từng cảnh báo.
Giá năng lượng ở châu Âu đã dao động liên tục ngày 6/10 khi tăng cao và sau đó giảm bớt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị tăng nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Các nhà phân tích thị trường cho biết, động thái trên cho thấy châu Âu đang ngày càng dễ tổn thương trước Nga khi Moscow vẫn đang chờ Berlin thông qua dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển nhiều khí đốt từ Nga sang châu Âu hơn qua Biển Baltic.
Đường ống dẫn khí 11 tỷ USD này hiện đã hoàn thành, bất chấp sự phản đối và không hài lòng từ phía Mỹ khi Washington cảnh báo trong nhiều năm qua rằng, dự án trên sẽ làm suy yếu an ninh năng lượng châu Âu và Nga có thể sử dụng nguồn cung năng lượng để gây ảnh hưởng với khu vực này.
Các chính quyền của cựu Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Trump đã nhận được lập trường thống nhất của lưỡng đảng Mỹ trong việc phản đối dự án này. Tổng thống Biden cũng thông báo trừng phạt một số công ty liên quan đến dự án, song sau đó những biện pháp này đã được dỡ bỏ hồi tháng 5 như một nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng lại quan hệ với Đức.
Quân bài năng lượng
"Châu Âu hiện đã tự biến mình thành con tin của Nga về nguồn cung năng lượng", Timothy Ash, một chiến lược gia tại công ty Bluebay Asset Management nhận định ngày 6/10, đồng thời gọi tình hình hiện nay là "không thể tin được".
"Rõ ràng Nga đã 'khống chế' được châu Âu trong vấn đề năng lượng và châu Âu quá yếu để thể có thể thoát khỏi hay làm bất kỳ điều gì khác", chuyên gia này đánh giá.
Chuyên gia này cũng cho rằng, có thể Nga sẽ dùng vấn đề năng lượng để làm quân bài mặc cả với EU nhằm thúc đẩy Dòng chảy phương Bắc 2 được thông qua.
Trong cuộc họp chính phủ trên truyền hình ngày 6/10, Tổng thống Putin đã đề nghị sẽ tăng nguồn cung sang châu Âu. Ông cũng chỉ trích khu vực này vì đã hủy bỏ nhiều hợp đồng khí đốt dài hạn để đổi lấy các hợp đồng giao ngay (spot deal), đồng thời khẳng định, điện Kremlin sẵn sàng đàm phán các hợp đồng dài hạn mới để bán khí đốt.
Nhiều chuyên gia tin rằng, Nga sẽ trì hoãn cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm thúc đẩy Đức thông qua dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Dù vậy, Nga đã bác bỏ nhận định này khi người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 6/10 rằng, Nga không có bất kỳ vai trò gì trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cùng ngày cho rằng, Moscow hy vọng Berlin sẽ sớm thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 để làm giảm giá khí đốt.
Phía Đức chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ sớm thông qua dự án này khi hôm 5/10 cảnh báo, Dòng chảy phương Bắc 2 phải cho thấy nó sẽ không phá vỡ các quy tắc cạnh tranh và các khoản tiền phạt có thể được đưa ra nếu dự án này vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức mà không đảm bảo sự thông qua cần thiết.
EU thận trọng
Giá năng lượng tăng cao đã trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU khi các nhà lãnh đạo kêu gọi độc lập hơn về năng lượng giữa bối cảnh gần 90% nguồn cung của khối này là nhập khẩu và Nga là một trong những nguồn nhập chủ yếu của EU, cùng với Na Uy, dữ liệu từ Ủy ban châu Âu tiết lộ.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã gây ra tranh cãi ở châu Âu khi Ukraine tỏ rõ thái độ giận dữ về thỏa thuận này bởi vì đường ống dẫn khí trên hoàn thành đồng nghĩa với việc đường ống đi qua Ukraine sẽ không được sử dụng nữa và nước này sẽ mất đi các khoản phí trung chuyển khí đốt giá trị. Ba Lan cũng vậy khi nước này cảm thấy dễ tổn thương trước một nước láng giềng ngày càng quyết đoán như Nga, đồng thời cho rằng dự án trên sẽ chỉ thúc đẩy ảnh hưởng của Moscow.
Vào tháng 7/2021, Ukraine và Ba Lan đã đưa ra một tuyên bố chung nhằm chỉ trích đường ống trên, đồng thời cho biết "quyết định xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 được đưa ra năm 2015, chỉ vài tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea, đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị, niềm tin và an ninh ở châu Âu".
Nguồn cung khí đốt của châu Âu từ lâu đã là một vấn đề gai góc. Vấn đề này thường gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và EU khi Washington từng trừng phạt một công ty của Đức (nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất châu Âu) vì đã ký hợp đồng xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng châu Âu cần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng ngoài Nga.
"Châu Âu càng đa dạng hóa nguồn cung thì rủi ro sẽ càng ít. Chúng tôi đã chứng kiến trong một vài năm qua châu Âu nhập khẩu một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng, đáng chú là từ thị trường Mỹ", Mike Fulwood, học giả nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nói.
Đánh giá về việc thị trường khí đốt mở rộng hơn và sức ép nguồn cung ảnh hưởng đến các nhà sản xuất khí đốt khác trên thế giới, chuyên gia Fulwood nhận định, tình hình mà thị trường khí đốt đang trải qua là "một cơn bão hoàn hảo của sự phục hồi về nhu cầu sau đại dịch Covid-19 và khó khăn về nguồn cung".
"Sẽ có sự thiếu hụt tạm thời nguồn cung và một số hoạt động hậu cần phải tạm dừng nhưng việc này sẽ không kéo dài cho tới năm sau, song trong một vài tháng tới, chúng ta sẽ thực sự phụ thuộc vào tình hình thời tiết", nhà quan sát Fulwood đánh giá.
Tin nổi bật
Tin Video