Khủng hoảng chồng khủng hoảng ngày ông Biden bước vào Nhà Trắng
Không có tuần trăng mật nào chờ đợi, ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ mới tại Nhà Trắng với các cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế, đối ngoại đang ở trước mắt.
Ông Joe Biden trải qua ngày đầu tiên ở Nhà Trắng trên cương vị tổng thống để giải quyết một loạt cuộc khủng hoảng đang bủa vây chính quyền mới, từ đối phó với làn sóng dịch bệnh Covid-19, khôi phục nền kinh tế đang lao đao, cho tới xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố nhậm chức về "đoàn kết" nước Mỹ, giới quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu ông Biden có thể thực sự lấy cam kết ấy làm kim chỉ nam cho nhiệm kỳ của mình, trong bối cảnh nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc.
Bắt đầu cuộc "thanh trừng"
Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Biden nói ông sẽ là tổng thống của người dân cả nước, thể hiện "sự khiêm tốn và lòng khoan dung" để đoàn kết nước Mỹ.
Nhưng sau chưa đầy 24 giờ, cuộc "thanh trừng" của Nhà Trắng nhắm vào các quan chức dưới thời Tổng thống Trump đã bắt đầu.
Một trong những nạn nhân đầu tiên là Peter Robb, chủ tịch Ủy ban Quan hệ lao động Quốc gia, quan chức do chính Tổng thống Trump bổ nhiệm.
"Vài phút sau lễ tuyên thệ, khi tân tổng thống nói đất nước cần trở nên 'tốt đẹp hơn', Nhà Trắng mới gửi tới ông Robb tối hậu thư: từ chức vào lúc 17h, hoặc bị sa thải", Wall Street Journal cho biết.
Ủy ban Quan hệ lao động, dù là một bộ phận của chính phủ, lại là một cơ quan hoạt động độc lập. Chủ tịch Ủy ban là vị trí có nhiệm kỳ 4 năm do Thượng viện phê chuẩn. Ông Robb được bổ nhiệm từ tháng 11/2017, và nhiệm kỳ hiện tại vẫn còn thời gian 10 tháng.
Trong lịch sử, chưa lãnh đạo nào của Ủy ban từng bị sa thải. Tối hậu thư Nhà Trắng gửi đi không nêu lý do yêu cầu ông Robb từ chức.
Trong bức thư phản hồi Nhà Trắng, ông Robb chỉ ra những điều bất thường đi ngược truyền thống nêu trên và từ chối rời nhiệm sở. Chính quyền Biden sau đó thẳng tay sa thải vị lãnh đạo Ủy ban.
Khi lên nắm quyền tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã không sa thải Chủ tịch Ủy ban khi đó là Richard Griffin, người do ông Obama bổ nhiệm. Ông Griffin nắm quyền tới hết nhiệm kỳ và rời nhiệm sở vào tháng 11/2017.
"Sa thải ông Robb mới chỉ là hành động phô diễn quyền lực đầu tiên", Wall Street Journal bình luận.
Cấp phó của ông Robb tại Ủy ban là Alice Stock không lâu sau đó cũng bị sa thải với lý do tương tự: không chấp nhận từ chức.
"Phe Dân chủ không có ý định chơi theo luật. Họ muốn áp đặt chương trình nghị sự và sẽ không để bất cứ điều gì cản đường, dù có bị mất mặt vì tiêu chuẩn kép hay phá vỡ một tiền lệ đã có gần 100 năm", nhà báo Kimberley A. Strassel viết trên Wall Street Journal.
Chiến dịch tranh cử vừa qua của bộ đôi Joe Biden - Kamala Harris phụ thuộc không nhỏ vào số phiếu từ các nghiệp đoàn. Việc sa thải ông Robb được cho là nhằm làm hài lòng các nghiệp đoàn cùng phe cấp tiến trong đảng Dân chủ.
Trong ngày 20/1, ông Biden cũng đã ký lệnh hủy bỏ giấy phép hoạt động đường ống dẫn dầu Keystone XL, đưa dầu từ Alberta, Canada về Texas. Việc này sẽ khiến khối cử tri người thổ dân bản địa và các nhóm công đoàn bảo vệ môi trường ủng hộ. Tuy nhiên, giới công nhân cổ xanh sẽ mất việc làm và các quan chức lưỡng đảng bang Montana, nơi đường ống đi qua, phản đối quyết định nêu trên.
Cuộc chiến với Covid-19
Tới tối ngày 21/1, ông Biden đã giới thiệu khung chiến lược quốc gia chống virus corona. Tân tổng thống ký 10 sắc lệnh hành pháp và các văn bản khác để chỉ đạo nỗ lực ứng phó đại dịch của chính quyền liên bang.
Mục tiêu của Nhà Trắng là sớm tiến tới mở cửa các trường học và doanh nghiệp, bảo đảm di chuyển an toàn và mở rộng tiêm chủng.
Ông Biden kêu gọi người Mỹ nghiêm túc đeo khẩu trang trong 100 ngày tới để cứu sống 50.000 người. Ông cảnh báo số người chết có thể lên đến 500.000 trường hợp trong tháng 2.
Tân tổng thống chỉ trích kế hoạch cấp phát vaccine của người tiền nhiệm là "một thất bại thảm hại". Ông Biden đã lập ra kế hoạch riêng nhằm phân phát 100 triệu liều vaccine trong vòng 100 ngày, gọi đây là "một trong những thách thức lớn nhất mà đất nước từng thực hiện".
Tuy nhiên, phân phát 1 triệu liều vaccine mỗi ngày là mục tiêu cơ bản đã đạt được ngay dưới thời Tổng thống Trump. Trong tuần cuối nhiệm kỳ của ông Trump, số liều vaccine phân phát mỗi ngày là khoảng 936.000. Trong ngày 21/1, số liều vaccine được phân phát là 1,05 triệu liều.
Dù vậy, đại dịch tiếp tục là vấn đề nhức nhối nhất của nước Mỹ. Trong ngày 21/1, ông Biden đã sử dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối vaccine. Ông Biden và các quan chức dưới quyền nói nước Mỹ đang ở trong thời chiến.
"Chúng ta đang đi vào cuộc chiến. Đây không phải là một cuộc tấn công bất ngờ. Đây không phải là trận Trân Châu Cảng. Cuộc chiến này giống với trận D-Day. Hôm nay là ngày đầu tiên của cuộc chiến", Ted Kaufman, cố vấn thân cận của ông Biden nói.
Khủng hoảng bủa vây
Trong ngày 22/1, ông Biden sẽ ký nhiều sắc lệnh hành pháp để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế đang chật vật vì ảnh hưởng của đại dịch với 16 triệu người nộp đơn xin trợ giúp vì mất việc làm.
Tuần tới, ông Biden sẽ tung ra một kế hoạch có tên "Mua hàng Mỹ" trong ngày 25/1 để thúc đẩy nền kinh tế. Các ngày tiếp theo, chính quyền mới sẽ lần lượt tập trung vào vấn đề công bằng sắc tộc (26/1), biến đổi khí hậu (27/1), chăm sóc y tế (28/1), và nhập cư (29/1).
Lúc này, Nhà Trắng vẫn chưa cho thấy lập trường rõ ràng về thời điểm luận tội cựu Tổng thống Donald Trump. Tiến trình luận tội ông Trump có thể trì hoãn gói cứu trợ 1.900 tỷ USD cùng các đề cử nhân sự mà Tổng thống Biden muốn thúc đẩy ở Thượng viện.
Đã xuất hiện một số ý kiến kêu gọi ông Biden hủy bỏ thủ tục tranh luận có tên "filibuster" tại Thượng viện (cho phép các thượng nghị sĩ trì hoãn việc thông qua quyết định bằng cách nói về bất cứ vấn đề gì cho đến khi người này không thể tiếp tục nói được nữa).
Việc hủy bỏ thủ tục filibuster có thể giúp ông Biden nhanh chóng đạt được các mục tiêu chính sách, nhưng sẽ làm thay đổi thể chế hoạt động của Thượng viên - cơ quan ông từng làm việc trong 36 năm. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 21/1 từ chối bình luận về khả năng ông Biden hủy bỏ thủ tục filibuster.
Nhiều đảng viên Cộng hòa được cho là đã sẵn sàn phản đối các kế hoạch của Tổng thống Biden, đặc biệt trong thay đổi hệ thống nhập cư và dự luật về trợ cấp ứng phó dịch bệnh.
Một trong hai ưu tiên chính sách của chính quyền Biden là biến đổi khí hậu và nhập cư. Để khởi động các kế hoạch của chính mình, Tổng thống Biden sẽ phải lật lại các chính sách hoàn toàn trái ngược được ban hành dưới thời Tổng thống Trump.
Về đối ngoại, những hành động cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh càng trở nên tồi tệ. Trung Quốc đáp trả bằng cách tuyên bố trừng phạt 28 quan chức trong chính quyền Trump ngay trong thời điểm lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden đang diễn ra.
Tổng thống Biden giờ đứng trước bài toán xử lý vấn đề Trung Quốc để không khiến quan hệ song phương thêm tổn hại, nhưng đồng thời phải cho thấy chính quyền của ông sẽ không "mềm yếu" trước Bắc Kinh như những gì phe ủng hộ cựu Tổng thống Trump chỉ trích.
Cựu chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Obama là ông Rahm Emanuel cho biết những cuộc khủng hoảng mà chính quyền Biden hiện đối mặt không phải là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, tất cả khủng hoảng ập đến cùng thời điểm là điều lần đầu xuất hiện trong lịch sử hiện đại.
"Lincoln đối mặt nội chiến, Wilson phải ứng phó với đại dịch, Roosevelt phải vượt qua đại suy thoái, Kennedy đứng trước Chiến tranh Lạnh ở cao trào, Johnson thì phải xử lý chuỗi bất bất ổn dân sự xã hội chưa từng có trong lịch sử. Và giờ, Biden có tất cả những cuộc khủng hoảng nói trên", ông Emanuel nhận xét.
Tin nổi bật
Tin Video