Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình có những sai phạm gì?
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhiều sai phạm xuất hiện trong quá trình vận hành, quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Xây dựng từ năm 2002 với kinh phí 53 triệu USD, tương đương 1.300 tỷ đồng, kể từ đó đến nay, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chưa từng được sửa chữa toàn diện lần nào. Khu liên hợp thể thao quốc gia - là đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình cũng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao. Từ năm 2009 đến nay, khi được giao thực hiện tự chủ tài chính 100%, nguồn thu của khu liên hợp đến từ việc cho thuê đất và các dịch vụ.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 6 mới đây, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại đơn vị này đã được chỉ ra trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2018. Những sai phạm này đã dẫn đến thất thoát số tiền hàng trăm tỷ đồng của ngân sách nhà nước.
Theo Thanh tra Chính phủ, khi triển khai dự án cải tạo mặt sân tập số 2, giá loại cỏ này khi trúng thầu đã được nâng lên gấp hơn 6 lần so với giá cỏ nhập khẩu trên thực tế. Vì thế nếu không thu hồi được sẽ gây thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước.
Tương tự, quá trình thực hiện dự án cải tạo mặt sân tập số 1 cũng có nhiều khâu sai quy định khiến đội giá hơn 3,2 tỷ đồng so với giá trị trên thực tế.
Cũng theo kết luận thanh tra, Khu liên hợp thể thao quốc gia còn có nhiều sai phạm trong việc tự ý cho thuê đất hoặc cho thuê đất nhưng tiền lại để ngoài sổ sách trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2018, dẫn đến thất thoát số tiền lên đến 777 tỷ đồng. Trong khi trên thực tế rất nhiều hạng mục tại sân vận động Mỹ Đình đã xuống cấp nghiêm trọng, vẫn phải chờ để cải tạo sửa chữa.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dù không đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm nhưng Công ty TNHH Thể thao Quang Tuyến vẫn trúng thầu thi công dự án cải tạo mặt sân điền kinh. Vì giá vật liệu trong hợp đồng được nâng lên gần 2,5 lần so với giá nhập khẩu nên dự án đã đội giá hơn 11,6 tỷ đồng.
Tại bể bơi trong nhà Cung thể thao dưới nước, dù hệ thống làm nóng nước bể bơi đang sử dụng được nhưng vẫn được thay thế bằng hệ thống mới. Theo kết luận, chỉ riêng giá thiết bị khi quyết toán đã cao gấp 7,5 lần giá nhập khẩu, chênh lệch hơn 6,1 tỷ đồng.
Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu: Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tập thể lãnh đạo, xử lý kỷ luật Người đứng đầu, cấp phó của Người đứng đầu, chuyên viên quản khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, của Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ (Bộ VHTT&DL)...
Theo tìm hiểu của PV VOV.VN, ông Cấn Văn Nghĩa, cựu Phó Chủ tịch VFF từng đảm đương chức vụ Giám đốc Khu liên hợp Thể thao quốc gia và về hưu từ tháng 9/2018. Chiều 25/9, PV VOV.VN đã liên hệ với ông Cấn Văn Nghĩa, để tìm hiểu liên quan đến những sai phạm mà Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu, nhưng không nhận được phản hồi.
Dưới thời ông Cấn Văn Nghĩa làm Giám đốc, khu liên hợp đã tự ý ký hợp đồng cho thuê đất tràn lan, không đúng quy định của nhà nước và đặc biệt nhiều đơn vị thuê đất để làm quán massage, quán bia... mà chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Liên quan tới những sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý sử dụng tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển tài liệu hồ sơ, chứng cứ của 2 vụ việc có dấu hiệu hình sự sang Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý, xem xét theo quy định của pháp luật.
Tin nổi bật
Tin Video