Không về quê đón Tết, nhiều người đổi, trả vé tàu
Trong hai ngày 1 - 2/2, rất đông hành khách đã đến ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa… để đổi trả vé tàu dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 do lo ngại diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Ghi nhận tại ga Sài Gòn trong sáng 2/2, từ sáng sớm, hàng trăm hành khách từ khắp nơi tập trung về ga Sài Gòn để làm thủ tục đổi trả, vé tàu Tết đã đặt mua từ trước. Nhiều thời điểm, các băng ghế trong sảnh tầng 2 ga Sài Gòn chật kín người ngồi chờ, dù nhà ga tổ chức 7 quầy chờ làm thủ tục cho khách. Đa phần người đến đổi, trả vé tàu là những người mua vé chặng dài, đi về các tỉnh từ Nghệ An trở ra phía Bắc.
Lo ngại trước dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tại nhiều nơi, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, hầu hết mọi người đến ga đều quyết định ở lại phía Nam đón Tết. Một số ít trường hợp sinh viên, học sinh đổi ngày về sớm hơn do được nghỉ học trước. Hầu hết hành khách đều chấp thuận với chính sách trả vé của ngành đường sắt, dù mức phí hoàn vé là 30%.
Chị Nguyễn Thị Thùy (quê Quảng Ngãi) cho biết, năm nay gia đình chị quyết định không về quê đón Tết nữa mà sẽ ở lại đây. Trước mắt là để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho gia đình, đồng thời cũng vì cộng đồng nữa. Dù phí hoàn vé có cao chút, nhưng điều này chắc mọi người cũng hiểu và thông cảm.
Trong khi đó, anh Đỗ Văn Sơn (32 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Dịch bùng phát nên gia đình tôi thay đổi kế hoạch, dự tính sau tết mới về quê. Từ sáng sớm tôi đã đặt xe từ Long An lên Tp. Hồ Chí Minh để trả lại vé tàu. Tôi chấp nhận phương án 3 tháng sau quay lại nhận tiền và chịu phí 30% giá vé ban đầu”.
Mỗi ngày trung bình có hơn 1.000 vé tàu tết được hành khách đến đổi trả lại. Trước số lượng người dân đến ga đổi vé tăng đột biến, ga Sài Gòn đã xây dựng nhiều kế hoạch, chính sách hoàn vé để tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho hành khách khi làm thủ tục. Với lượng người tập trung đông, ga Sài Gòn phải bố trí thêm quầy thủ tục, nhân viên để giải quyết nhanh chóng, thuận lợi cho bà con. Ngành đường sắt cũng đã chuẩn bị 2 phương án để hành khách lựa chọn là bảo lưu vé trong vòng một năm hoặc trả vé (chịu mất phí).
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn), ngành đường sắt sẽ hỗ trợ hành khách bảo lưu tiền vé và được sử dụng trong năm 2021. Nếu hết năm 2021, hành khách không có nhu cầu đi tàu, thì ngành đường sắt sẽ trả lại toàn bộ tiền vé cho hành khách. Hành khách thực hiện việc hoàn đổi, trả vé tại các nhà ga hoặc trả vé online (với trường hợp mua online), lưu ý ít nhất trước 24 giờ so với giờ tàu khởi hành.
Trong trường hợp, hành khách có nhu cầu thay đổi thời gian và hành trình đi tàu, hành khách sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ thu chệnh lệch giá vé (nếu có). Đối với hành khách có nhu cầu trả vé, ngành đường sắt sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Việc hoàn tiền cho hành khách sẽ được thực hiện sau 90 ngày tính từ ngày trả vé.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Tân Sửu 2021 trên tuyến Bắc - Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy 10 đôi tàu Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại) và tăng cường chạy hàng chục đôi tàu khách khu đoạn trên các tuyến: Sài Gòn – Vinh, Sài Gòn – Đồng Hới, Sài Gòn – Đà Nẵng, Sài Gòn – Quảng Ngãi, Sài Gòn – Quy Nhơn, Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Phan Thiết; Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Đồng Hới, Hà Nội – Đà Nẵng... và ngược lại
Ông Đỗ Quang Văn cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành đường sắt lên nhiều phương án đảm bảo an toàn trong vận chuyển khách dịp tết.
Tuy nhiên tâm lý nhiều người lo ngại lây nhiễm nên nhu cầu trả vé rất lớn trong vài ngày qua. Dịp tết ai cũng mong về quê sum họp với gia đình và dịch bùng phát là điều không ai mong muốn. "Chúng tôi rất mong được sự thông cảm, chia sẻ từ hành khách bởi đây là tình hình chung", ông Văn nói.
Tin nổi bật
Tin Video