Tin tức

Không được chèn lịch hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa

Các hoạt động trải nghiệm STEM, tiếng Anh theo hình thức câu lạc bộ và theo nhu cầu người học thì thời khóa biểu cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học; không được gây quá tải, không được ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ chính khóa.

29/09/2023 14:37

Thời gian gần đây dư luận xã hội xôn xao về việc nở rộ hình thức dạy các môn liên kết như ngoại ngữ, kỹ năng sống trong nhà trường. Đáng chú ý ở một số nơi, những môn học này được đan xen với các giờ học chính khóa, khiến phụ huynh không muốn cũng phải cho con đi học vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Không được chèn lịch hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến trái chiều về chương trình dạy học liên kết trong các nhà trường (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thanh Chung (Ba Đình, Hà Nội) có con học lớp 6 cho biết, nhà trường tổ chức học liên kết tiếng Anh và STEM vào tiết cuối của chiều thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. Học sinh nào không học liên kết sẽ tan học lúc 15h30. “Giờ này bố mẹ vẫn đi làm, không thể đón con, nhà trường cũng không ép phải học, nhưng nếu không học cũng rất bất tiện, nên gia đình tôi vẫn quyết định cho con học. Mỗi tuần các con học 1 tiết tiếng Anh và 1 tiết STEM, riêng môn tiếng Anh sẽ học với giáo viên nước ngoài. Khi bố mẹ kiểm tra kiến thức, con cũng chia sẻ thật tiết học với thầy nước ngoài con không hiểu bài, nhưng tôi vẫn quyết định cho con học để tiện giờ đưa đón”.

Chị Phạm Thị Thủy (Ba Đình, Hà Nội) quyết định cho con nghỉ học tiết tiếng Anh liên kết chỉ sau 1 tháng học đầu tiên. Chị Thủy cho biết, học liên kết với thầy cô nước ngoài phù hợp với những học sinh có học lực tốt, những học sinh có học lực trung bình, hay trung bình khá sẽ khó hiểu vì thời lượng ngắn, đôi khi học sinh không hiểu giáo viên nói gì. Sĩ số lớp học vẫn đông như bình thường, nên các tiết học này chỉ mang tính cưỡi ngựa xem hoa, không thực sự hiệu quả. Chị Thủy chấp nhận tranh thủ về đón con sớm hơn khi không học tiết tiếng Anh liên kết để học thêm tại các trung tâm khác bên ngoài nhà trường.

Chị Đặng Thị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, nhiều phụ huynh đăng ký cho con học liên kết chưa hẳn vì sự hiệu quả, mà đơn giản vì, nếu không học thì con sẽ làm gì, ở đâu trong thời gian đó. Nếu con ở nhà thêm 1-2 tiết hoặc về sớm hơn, phụ huynh cũng rất vất vả trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con cái.

Trao đổi về nội dung này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm định hướng khung thống nhất với những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc; đồng thời mở và trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương, nhà trường. Đối với tiểu học, chương trình quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Để thực hiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học.

Như vậy, kế hoạch giáo dục của nhà trường phải thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn, đảm bảo tổng số tiết/năm học được quy định trong chương trình cấp tiểu học; bố trí thời khóa biểu thực hiện khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; bảo đảm trẻ được học đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của chương trình.

Ông Tài lấy ví dụ, buổi sáng 4 tiết thì học sinh sẽ kết thúc vào 10h30 phút; buổi chiều 3 tiết sẽ kết thúc vào khoảng 15h30 phút. Đây là những tiết chính khóa khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trong khung giờ này. Các trường phải thực hiện hết định mức giờ dạy của giáo viên hiện có để tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, hoạt động tăng cường, củng cố giúp học sinh nắm vững kiến thức, tổ chức môn học tự chọn, hoạt động giáo dục trải nghiệm dưới hình thức tích hợp liên môn trong định mức giáo viên hiện có của nhà trường.

"Trường hợp đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên, nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức hoạt động giáo dục dựa trên quy định do địa phương quản lý theo thẩm quyền như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm STEM... Từ đó, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.

Tuy nhiên, thời khóa biểu cho các hoạt động này cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học lẫn tâm sinh lý lứa tuổi. Nhà trường không được gây quá tải, không ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia. Trường cần sắp xếp theo nhóm, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn, số lượng đăng ký của từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến học sinh khác", ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết thêm, để thực hiện nội dung giáo dục STEM, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 909/BGDĐT-GDTH ngày 8/3/2023 về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục STEM đối với cấp tiểu học. Theo đó, hoạt động chủ yếu là thực hiện Bài học STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa. Như khi dạy giờ Toán, thầy cô có nhiệm vụ thực hiện tích hợp liên môn theo hướng Bài học STEM để dạy cho học sinh dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Đây là hoạt động chính khóa, là nhiệm vụ của nhà trường, giáo viên, đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn.

Hoạt động trải nghiệm STEM theo hình thức câu lạc bộ và theo nhu cầu người học. Thời khóa biểu cho hoạt động này cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng học sinh, hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học; không được gây quá tải, không được ép học sinh tham gia, không được chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa…

Theo ông Thái Văn Tài, dù Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn rõ ràng, song trong quá trình triển khai tại cơ sở giáo dục, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nơi còn lúng túng. Vẫn có hiện tượng buông lỏng quản lý hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền trách nhiệm dẫn đến những băn khoăn, lo lắng và tạo dư luận xã hội không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này. Do đó, hoạt động tăng cường ngoài giờ chính khóa cần được chấn chỉnh kịp thời đối với những nơi đang thực hiện chưa đúng các quy định.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT nghiêm túc báo cáo thực trạng quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục tăng cường, ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Qua đó, Bộ đánh giá đúng thực trạng, bổ sung văn bản chỉ đạo để thực hiện đúng và hiệu quả hoạt động này.

Ý kiến của bạn