Lăng kính

Không để người dân mất đất, mất nhà vì bất cập về giá đất

(VOVTV) - Thời gian qua việc giải tỏa đền bù và tái định cư để thực hiện các dự án giao thông, công trình dân sinh xã hội chỉnh trang đô thị, được người dân đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên giá trị đất thu hồi lại thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến khiếu kiện khiếu nại, thậm chí là kéo nhau ra toà để giải quyết.

Tác giả Nguyễn Quang/VOV TP.HCM
17/10/2022 07:24
Không để người dân mất đất, mất nhà vì bất cập về giá đất - Ảnh 1.

Những bất cập về giá đất đền bù giải tỏa khiến cho nhiều hộ dân chịu thiệt thòi

Đền bù, tái định cư - Giá đất còn nhiều bất cập

Gia đình ông Nguyễn Văn Bằng sinh sống trong 2 căn nhà liền kề có tổng diện tích trên 133m2 ở Khu phố 5, phường Bửu Long, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Mới đây, đất gia đình ông Bằng bị thu hồi để triển khai dự án đường giao thông ven sông Đồng Nai. 

Mức đền bù đất thu hồi được TP. Biên Hoà áp dụng mức giá năm 2019. So với giá trị đất hiện nay thì chênh lệch quá lớn. Không đồng ý với mức đền bù này, ông Bằng cùng những gia đình ở đây đã làm đơn khởi kiện chính quyền TP. Biên Hòa ra tòa án. Ông cho biết, nhà nước đền cho gia đình ông với giá 8tr/m2 và bán cho gia đình ông một miếng đất tái định cư với giá 15tr/m2. "Lấy toàn bộ số tiền của nhà nước đền bù lại thì cũng không đủ tiền để cất cái nhà. Nếu đủ tiền cất nhà thì không đủ tiền trả tiền đất cho nhà nước," ông Bằng chia sẻ. 

Tương tự, ông Trần Hùng Dũng, ngụ ở xã Bình Tâm, TP. Tân An, tỉnh Long An cho biết, gia đình 4 đời sinh sống ở địa phương. Vừa qua, chính quyền thu hồi 2.500m2 đất để thực hiện dự án mở rộng đường. Nhưng mức đền bù thấp khiến gia đình ông bị thiệt thòi. "Thật sự giá đền bù như vậy là không phù hợp, vì 1m2 đất mà không bằng giá 1kg thịt bò nữa. Gia đình đóng thuế  theo giá đất thổ, chứ không phải đất lúa. Cũng đề nghị xem lại hoàn cảnh gia đình tôi, vì nhà tôi bị giải tỏa trắng," ông Bằng mong mỏi. 

Không để người dân mất đất, mất nhà vì bất cập về giá đất - Ảnh 3.

Giá đất đền bù, tái định cư chưa sát với thực tế dẫn đến nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ở các địa phương

Minh bạch trong định giá đất

Sự việc của ông Bằng ở Đồng Nai và ông Dũng ở Long An là một trong số rất nhiều bất cập trong vấn đề định giá, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay. Theo Điều 115 và Điều 116 Luật Đất đai 2013 có đề cập đến tư vấn giá đất nhưng chưa có quy định bảo đảm tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập, việc quy định giá đất còn mang tính chủ quan, áp đặt. Nhất là vấn đề công khai các chứng thư của tổ chức thẩm định để người dân và các cơ quan liên quan có thể giám sát.

Theo điểm C, khoản 1, Điều 112 Luật Đất đai 2013, một trong những nguyên tắc định giá đất là phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”. Mỗi khu vực, địa phương giá đất cũng khác nhau, nhưng nên khi áp dụng thực tế, dùng khung giá đất theo quy định để định giá đất là không phù hợp gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền các địa phương.

Ông Phan Minh Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An dẫn chứng: Theo quy định, để xác định giá đất có phương pháp so sánh và phương pháp thặng dư. Phương pháp thặng dư là phương pháp giả định, còn phương pháp so sánh thì tìm thửa đất tương đồng để so sánh. Trên thực tế việc tìm đất tương đồng không có nên khi xác định giá đất chỉ mang định tính. Bất cập này không chỉ gây khó khăn trong thu ngân sách Nhà nước mà còn tạo ra nhiều rủi ro. Ông Thành cho rằng, đối với thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì nên theo giá thị trường, không phân biệt giá đất là bao nhiêu. Đồng thời nên bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất mới theo giá thị trường. 

"Bảng giá đất này sẽ là căn cứ để tính tất cả các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, kể cả thu hồi đất, cũng như giao dịch của người sử dụng đất. Còn tùy từng nơi, nhưng cụ thể thì nên giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh để cho phù hợp với địa phương," ông Thành nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật Đại học Cần Thơ, giá đất là vấn đề hoàn toàn có tính chuyên môn. Do đó nên tách bạch quy trình thẩm định giá đất với quy trình hành chính quyết định giá đất. Việc định giá đất nên giao cho Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) hoặc Thường trực HĐND và nên cho người dân được tham gia và có tiếng nói.

Theo ông Hiền, chủ thể quan trọng nhất trong quy trình định giá đất là những tổ chức chuyên môn có chức năng tư vấn về giá đất. Sau khi vấn đề chuyên môn được quyết định rồi thì chuyển kết quả của Hội đồng thẩm định đó sang các cơ quan hành chính nhà nước như UBND và các sở, ngành để họp quyết định giá đất. Từ đó đảm bảo cho giá đất được khách quan, công bằng để người dân có thể nhận được số tiền bồi thường đúng với những thiệt hại mà họ đã mất. 

Không để người dân mất đất, mất nhà vì bất cập về giá đất - Ảnh 4.

Vấn đề định giá đất của Nhà nước phải phản ảnh được tiếng nói của thị trường, quyền lợi hài hòa, chính đáng giữa các chủ thể có liên quan

Định giá đất luôn là bài toán không hề đơn giản, do đó việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất nhất là quy trình thẩm định cần được trao quyền đúng chỗ. Tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" hay "thẩm quyền kép", từ đó đảm bảo quyền lợi chính đáng hài hòa giữa các chủ thể có liên quan./.

Ý kiến của bạn