Tin tức

Không chủ quan với cúm A H5N8 chủng độc lực cao

(VOVTV) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 6 đến nay đã phát hiện chủng virrus cúm gia cầm A H5N8 tại 3 tỉnh Hoà Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Đây là chủng virus lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ rất cao có thể lây lan trên phạm vi rộng, đặc biệt từ các địa phương có đường biên giới chung với các nước.

Tác giả Minh Long / VOV1
15/07/2021 10:53

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu tháng 6 đã phát hiện virus cúm gia cầm chủng độc lực cao A H5N8 tại 3 tỉnh, thành phố với khoảng 10.000 con gia cầm đã được tiêu hủy.

Với quy mô đàn gia cầm lớn ở miền Bắc (khoảng 20 triệu con) cùng với thời điểm người chăn nuôi vào đàn gia cầm, cộng với điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng sức đề kháng của vật nuôi nên tỉnh Bắc Giang xác định nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao cũng như sự xâm nhiễm của chủng virus cúm gia cầm A H5N8 là rất lớn.

Tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh lấy mẫu giám sát chủ động, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao... để kịp thời phát hiện dịch bệnh.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, trường hợp phát hiện kết quả dương tính đối với các chủng A H5N1, A H5N6, A H5N8 sẽ xử lý tiêu hủy gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Không chủ quan với cúm A H5N8 chủng độc lực cao - Ảnh 1.

Việt Nam phát hiện chủng virrus cúm gia cầm A H5N8 tại 3 tỉnh Hoà Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Ảnh: Reuters

Theo khuyến cáo của Cục Thú y, đối với địa phương có ổ dịch cúm A H5N8 chưa qua 21 ngày hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A cần xử lý tiêu hủy, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Đối với sử dụng vaccine tiêm phòng đàn gia cầm, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y lưu ý, các địa phương tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm bao vây ổ dịch, bảo đảm đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ.

Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng. Sử dụng các loại vaccine cúm gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus cúm gia cầm A H5N6 bởi theo Tổ chức Thú y thế giới chủng virus cúm gia cầm A H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4B với virus cúm gia cầm A H5N6.

Với tính chất phức tạp của chủng cúm gia cầm A H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác, hạn chế thấp nhất lây nhiễm và gây tử vong cho người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm.

Mặc dù chưa có cơ sở khoa học chứng minh cúm A H5N8 lây lan từ người người sang người, nhưng việc chủ động đồng bộ các biện pháp chống dịch của các địa phương và người chăn nuôi là rất cần thiết vào lúc này, bởi không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn giảm bớt những khó khăn mà người chăn nuôi đang phải đối mặt trước diễn biến dịch Covid 19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Ý kiến của bạn