Đời sống

Không chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết

So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2020 có xu hướng giảm mạnh (47%). Tuy nhiên, không vì thế mà người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, bởi nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu. Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân Thủ đô cần chủ động phòng, chống sốt xuất huyết bằng những hành động cụ thể.

11/12/2020 09:04

Cảnh giác với biến chứng của sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nếu như trong tháng 10-2020 và đầu tháng 11-2020, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố dao động khoảng 350-450 ca/tuần, thì đến cuối tháng 11-2020 và đầu tháng 12-2020 đã giảm còn khoảng 220-270 ca/tuần. Lũy tích năm 2020, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6.376 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm nay giảm 47%.

Không chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Đại diện đội xung kích diệt bọ gậy tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng (quận Long Biên) đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết. Ảnh: Trang Thu

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm trong những tuần gần đây nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, nâng cao nhận thức cho người dân. Thêm vào đó, thời tiết chuyển lạnh góp phần hạn chế hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, cuối năm thường có sự biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các địa phương rất lớn. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng có điều kiện ăn, ở tạm bợ... “Chính vì vậy, người dân không nên lơ là việc phòng dịch”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết. Nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng, như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương, gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường cũng lưu ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần được hết sức lưu ý, vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19, như: Sốt, đau mỏi cơ... Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc. Khi có biểu hiện mắc sốt xuất huyết, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Dành 10-15 phút mỗi tuần để phòng bệnh

Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngay từ đầu năm 2020, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện các hoạt động chuyên môn để phòng, chống sốt xuất huyết, tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, vật chủ trung gian truyền bệnh, ca bệnh... để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để, không để dịch bùng phát.

Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn về phác đồ điều trị, phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc lấy mẫu bệnh phẩm, chẩn đoán. Các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô cũng đã bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc, sẵn sàng cấp cứu, điều trị người bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.

Để công tác phòng dịch sốt xuất huyết đạt hiệu quả, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, thành phố tiếp tục duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh 24/7, bảo đảm kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; giám sát, phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện, thực hiện kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã có số mắc cao. Mặt khác, khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch để ngăn chặn dịch lây lan rộng; vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch theo quy định…

Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp bệnh, nên một người có thể mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các đơn vị chức năng, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Mỗi hộ gia đình cần chủ động phòng bệnh bằng cách tự bảo vệ để không bị muỗi đốt, tiêu diệt nguồn lây bệnh là muỗi ở nơi sinh sống và môi trường xung quanh. Mỗi người, hằng tuần cần bỏ ra từ 10 đến 15 phút để kiểm tra trong khuôn viên gia đình nhằm phát hiện và loại bỏ các dụng cụ, phế thải… chứa nước có bọ gậy để góp phần phòng bệnh sốt xuất huyết.

Cần lưu ý các triệu chứng của sốt xuất huyết, vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19, như: Sốt, đau mỏi cơ... Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc. Khi có biểu hiện mắc sốt xuất huyết, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà./.

Ý kiến của bạn